Kỹ thuật trồng cây sâm cau dưới tán rừng

Thứ hai - 05/06/2023 21:39
Theo đông y: Sâm cau có vị cay, tính ấm, có độc; vào 3 kinh Thận, Can và Tỳ. Có tác dụng làm ấm thận (ôn thận), mạnh gân cốt (tráng gân cốt), trừ hàn thấp. Chủ trị liệt dương, yếu sinh lý, tinh lạnh, tiểu tiện không cầm được, chân tay, lưng lạnh. Đồng bào ít người ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta thường dùng rễ cây này làm thuốc bổ nên mới gọi là Sâm, vì lá cây giống lá Cau nên mới có tên gọi là Sâm cau. Sâm cau có tác dụng tăng cường miễn dịch, nâng cao khả năng thích nghi của cơ thể trong điều kiện thiếu ô-xy; có tác dụng như hormone sinh dục nam (thí nghiệm tiêm cồn thuốc sâm cau cho chuột đã bị cắt 2 tinh hoàn, với liều 10g/kg, thấy trọng lượng của túi tinh tăng lên rõ ràng).

PHẦN I: GIỚI THIỆU CHUNG

1. Nguồn gốc, phân bố

Sâm cau có nguồn gốc ở Nam Á và Đông Á. Cây hiện phân bố ở Ản Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc...các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia, ...Ở Việt Nam, cây sâm cau phân bố khắp các tỉnh trung du, miền núi từ Bắc vào Nam.

2. Đặc điểm thực vật học

Đặc điểm thực vật học cây sâm-cau
Đặc điểm thực vật học cây sâm cau

Cây sâm cau là loại cây lâu năm, có chiều cao cây khoảng 20-60 cm. Lá hình mũi mác xếp nếp tựa như lá cau từ thân rễ. Phiến lá thon hẹp, hai mặt lá nhẵn, gân song song. Thân rễ mập, hình trụ dài, dạng củ, có rễ phụ, vỏ thô màu nâu, trong nạc màu vàng ngà. Hoa màu vàng xếp 3-5 cái nhỏ thành cụm, trên một trục ngắn ở kẽ lá, nằm trong những lá bắc hình trái xoan lợp lên nhau, đài 3 răng có lông; tràng 3 cánh nhẵn, nhị 6 xếp thành hai dãy, chỉ nhị ngắn, bầu hình thoi, có lông rậm. Quả nang thuôn, dài 1,5 cm, chứa từ 1 - 4 hạt phình ở đầu. Bộ phận sử dụng làm dược liệu là thân rễ.

3. Điều kiện sinh thái

Cây sinh trưởng, phát triển tốt nơi đất mầu mỡ ẩm thường ở độ cao dưới 1000 m so với mực nước biển, tốt nhất dưới 600 m, dưới tàn che 0,25-0,50, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển là 20 - 35oC. Cây sinh trưởng và phát triển từ tháng 4 đến tháng 11. Cây ra hoa nhiều vào tháng 5 - 7, tạo quả nhiều vào tháng 6 - 8, khi quả già tự mở để hạt phát tán ra xung quanh. Cây ở trạng thái ngủ từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

PHẦN II: KỸ THUẬT TRỒNG

1. Chọn vùng trồng và loại đất trồng
 

Kỹ thuật trồng sâm-cau
Kỹ thuật trồng sâm cau

 

Cây sâm cau là loài cây có biên độ sinh thái rộng nên có thể trồng ở vùng trung du, miền núi nơi đất trống dưới tán rừng trồng, rừng tái sinh đang phục hồi với độ dốc nhỏ hơn 30o, rải rác có một số cây bụi nhỏ, hay cây gỗ nhỏ để tạo bóng với độ tàn che 0,25 - 0,50 (nhưng không được làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng của rừng). Nếu trồng ở khe núi hoặc ven rừng thì không cần có cây che bóng. Cây có thể trồng ở độ cao dưới 1.000 m so với mực nước biển. Âm độ không khí thích hợp 80 - 85%, ẩm độ đất 70 - 75%. Nhiệt độ thích hợp từ 20 - 35oC. Cây có thể trồng trên nhiều loại đất, tốt nhất ở những nơi ẩm, tơi xốp, nhiều mùn, ven các khe suối, chân đồi, thoát nước tốt, không bị trũng, đọng. Đất nơi trồng và nước tưới không bị ô nhiễm rác thải, kim loại nặng.

2. Giống và kỹ thuật nhân giống

Cây giống có nguồn gốc từ giâm hom. Hom giống sâm cau được sử dụng giâm hom là hom ngọn hoặc đoạn hom kề ngọn, có chiều dài 3 - 5 cm, đường kính khoảng 0,6 cm.
Tiêu chuẩn cây giống: Chiều cao cây giống: đạt chiều cao khoảng 15 cm. Số lá cây giống: trên 3 lá. Đường kính thân cây giống: trên 0,6 cm. Trạng thái cây giống: sinh trưởng khỏe mạnh, lá xanh đậm, không biểu hiệu sâu bệnh hại. Tuổi cây giống: khoảng 60 ngày sau giâm.

3. Trồng và chăm sóc

3.1. Làm đất và kỹ thuật làm đất
Hố cuốc vuông theo hình nanh sấu và cách đều nhau theo khoảng cách trồng cây là 20 cm x 25 cm hoặc 30 x 40 cm. Lượm bỏ bớt đá (nếu có).
Lấp hố + Bón lót (1 ha): 3 tấn HCVS + 500 kg vôi bột + 300 kg Supe lân. Vôi bột bón đều trên toàn bộ diện tích. Bón lót toàn bộ phân hữu cơ vi sinh và phân lân. Phân hữu cơ vi sinh và super lân được trộn đều, bón vào các hốc.
3.2. Thời vụ trồng và cách trồng:
Sâm cau có thể trồng vào mùa mưa từ tháng 4 - 9 hàng năm, nhưng tốt nhất là đầu mùa mưa (tháng 5 - 6).
Dùng cuốc khơi rộng lòng hố, hoặc rãnh để đặt cây. Đặt cây thẳng đứng, lấp đất nhỏ quanh gốc và lèn chặt xung quanh gốc, không lấp đất quá cao tránh làm tổn thương đến ngọn. Sau trồng 4 - 5 ngày nếu không mưa có thể tưới cho cây.
3.3. Mật độ trồng:
Trồng sâm cau dưới tán rừng với mật độ 20 x 25 cm, tương đương 200.000 cây/ha. Có thể trồng 30 x 40 cm (80.000 cây) nếu thời gian thu hoạch dài hơn 2 năm trồng.
Sâm cau có thể trồng thuần nếu sử dụng lưới đen che bóng 0,25- 0,50, hoặc trồng xen với cây trồng khác.
3.4. Phân bón và kỹ thuật bón phân:
Liều lượng phân bón/ha/2 năm: 3 tấn phân hữu cơ vi sinh sông Gianh + 180 kg N + 120 Kg P2O5 + 200 kg K2O + 500 kg vôi bột. Tương đương với: 400 kg Urê + 650 kg Supe lân + 350 kg Kali Clorua + 500 kg vôi bột.
Bón lót: 3 tấn hữu cơ vi sinh + 500 kg vôi bột + 300 kg Supe lân.
Bón thúc lần 1: 100 kg ure + 50 kg kali clorua sau trồng 1-2 tháng.
Bón thúc lần 2: 100 kg ure + 100 kg kali clorua vào tháng 7-8 (năm thứ 2)
Bón thúc lần 3: 100 kg ure + 350 kg supe lân + 50 kg kali clorua vào tháng 5-6 (năm thứ 2).
Bón thúc lần 4: 100 kg ure + 150 kg kali clorua vào tháng 7-8 (năm thứ 2).
Bón phân xong tưới nước cho phân tan tránh làm tổn thương lá và rễ.
3.5. Chăm sóc

 

Cây sâm-cau
Cây sâm cau


Tưới nước duy trì độ ẩm cho cây sau trồng, làm cỏ kết hợp bón phân và phòng trừ bệnh trên lá vào mùa mưa. Thời gian chăm sóc, bón phân kết hợp vun gốc. Tiến hành trồng dặm những cây chết sau 1 - 2 tháng trồng. Làm cỏ 2 - 3 lần trong năm trên toàn bộ diện tích.
Nội dung chăm sóc: Phát dọn dây leo, cỏ dại xâm lấn, xới đất xung quanh cây, vun gốc để phần củ không bị nhô ra khỏi mặt đất. Không làm tổn thương đến cây đặc biệt bộ phận cây đang sinh trưởng dưới mặt đất.

4. Phòng trừ sâu bệnh

Sâm cau có thể bị gây hại bởi bệnh đốm nâu ở lá do nấm Curvularia sp và bệnh đốm lá do nấm Phoma sp gây ra vào tháng 6 - 8. Bệnh đốm nâu có vết bệnh trên lá ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu nhạt sau đó phát triển thành các vết bệnh bầu dục màu nâu đậm hơn, sau vết bệnh có màu đen. Bệnh đốm lá vết bệnh lúc đầu hình bầu dục hoặc hình sợi dài, màu nâu về sau vết bệnh lan rộng ra và có màu nâu đỏ, hơi lõm vào trong vỏ, trên đó có các hạt nhỏ màu đen đó là các bào tử. Phòng trừ bệnh bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma bón trực tiếp vào xung quanh gốc cây, liều lượng bón từ 4 - 8kg/1.000m2 và có thể tỉa bỏ bớt các lá bị bệnh, tạo độ thoáng cho cây.

5. Thu hoạch

5.1 Thời điểm và cách thu hoạch
Sâm cau có thể thu hoạch sau 2 năm trồng hoặc lâu hơn. Thời gian thu hoạch thân rễ quanh năm, tốt nhất vào cuối năm từ tháng 9 - 12, khi cây đã vàng úa, tàn lụi, lá khô, thu hoạch lúc này đảm bảo hàm lượng hoạt chất của cây có thể được tích lũy ở mức cao nhất.
Chuẩn bị ruộng trước thu hoạch: Ruộng trước thời điểm thu hái ít nhất 1 tuần phải đảm bảo không được tưới nước đẫm vì có thể gây bẩn dược liệu, cây hút nước nhiều sẽ làm độ ẩm cao. Sau khi thu hoạch chưa kịp xử lý rất dễ bị hỏng và việc phơi sấy cũng tốn thời gian và nhiên liệu. Nên chọn ngày mát để thu hoạch thân rễ.
Thu hoạch: Dùng cuốc, thuổng đào bới xung quanh để lấy củ và rễ. Tránh làm xây xát và gẫy củ. Đào và nhổ cả cây, giũ bỏ bớt đất cát, sau đó cắt bỏ phần lá, chỉ dùng phần củ.
Vận chuyển: Thân rễ tươi được vận chuyển bằng xe cơ giới. Xe vận chuyển không được dùng chung với các loại xe chở phân bón, thuốc trừ sâu, gia súc gia cầm và các loại khác có nguy cơ gây bẩn dược liệu. Phương tiện vận chuyển được rửa sạch trước khi sử dụng cho việc vận chuyển.
5.2. Sơ chế và bảo quản

 

Củ cây sâm-cau
Củ cây sâm cau


Sơ chế: Cây sâm cau được cắt bỏ lá, rửa sạch thân rễ, phơi ở chỗ thoáng gió. Cắt lấy phần củ cách chồi ngọn 1,5 - 2 cm để làm giống cho vụ sau. Phần củ còn lại được tiến hành rửa sạch, loại bỏ những củ thối hỏng, sau đó tiếp tục đem phơi hoặc sấy ở 50 - 60°C cho đến khi độ ẩm khoảng 13%.
Đóng gói, ghi nhãn và bảo quản:
Đóng gói: Thân rễ sâm cau đã phơi/sấy khô được đóng gói bằng túi polyetylen, sau đó hàn kín túi, tránh không khí xâm nhập làm ẩm, ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Có thể đóng gói thêm lóp ngoài là bao gai bền. Lượng dược liệu đóng trong gói tùy theo yêu cầu bảo quản, vận chuyến.
Ghi nhãn: Nhãn mác trên bao bì cần có thông tin sau: tên dược liệu, tên khoa học, khối lượng, nguồn gốc/xuất xứ, ngày đóng gói, hạn sử dụng, tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện bảo quản.
Bảo quản: Bao dược liệu được để trên kệ kê cao cách mặt sàn 30 cm, để trong kho, nơi khô ráo, thoáng mát, luôn được kiểm tra. Nếu có kho lạnh để bảo quản dược liệu càng tốt. Thường xuyên kiểm tra định kỳ, phát hiện các bao rách, ấm, mốc, mối, mọt... để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dược liệu bị hư hỏng.
Tiêu chuẩn dược liệu: Dược liệu từ sâm cau có độ ẩm không quá 13%, tro toàn phần không quá 10,0%; tro không tan trong axit hydrocloric không quá 2,0%; tạp chất: không quá 4%; chất chiết được trong dược liệu không ít hơn 7,0% theo dược liệu khô kiệt. Hàm lượng orcinol glucosid trên 0,3%, curculigosid trên 0,1%.

Tác giả: Phạm Ngọc Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi