Trồng và chăm sóc sâm dây (đảng sâm)

Chủ nhật - 19/12/2021 02:25
Sâm dây (hay còn gọi là cây đẳng sâm, hay Đảng sâm, sâm nam) là một loài thảo dược quý, có giá trị kinh tế cao.Để sâm dây sinh trưởng và phát triển tốt, hôm nay Diễn đàn kiến thức nhà nông sẽ giới thiệu đến các bạn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm dây.

I. Đặc điểm sinh vật học

1. Phân bố

Phân bố rải rác khắp các tỉnh miền núi phía bắc, bao gồm : Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Ở các tỉnh phía Nam, cây mọc tương đối tập trung xung quanh núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và ở cao nguyên Lang Bian – Lâm đồng. Ngoài ra, Đảng sâm Việt Nam cũng gặp ở một số vùng núi cao ở tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị… nhưng ít hơn nhiều so với các địa phương kể trên.

2. Đặc điểm thực vật học.

Dây leo nhỏ, sống lâu năm (phần dưới mặt đất), leo bằng thân quấn, rễ củ hình trụ, có thể phân nhánh, màu vàng ngà, nạc; thân leo dài trên 1 m, màu xanh hay nâu tía, ngọn non có lông tơ sau nhẵn; Lá mọc đối, ít khi mọc so le, có cuống, phiến lá hình tim, dài 3 – 8 cm, rộng 2 – 4 cm, gốc lá chia 2 thùy tròn, đầu nhọn, mép lá hơi lượn sóng hoặc có răng cưa tù, mặt trên xanh, mặt dưới hơi nhạt màu, có lông lúc non, sau nhẵn. Cây có nhựa mủ màu trắng, nhất là ở bộ phận còn non

Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, cuống dài 2 – 3 cm; đài xẻ thành 5 thùy dài, nhọn, thường có màu xanh; tràng hoa hình chuông, họng màu tím nâu, xẻ 5 thùy hình tam giác nhọn, màu trắng, có các gân màu tía hồng; 5 nhị, chỉ nhị ngắn, bao phấn đính gốc; bầu hạ, 5 ô, núm nhụy ngắn, tồn tại cùng quả. Quả nang, gần giống hình bán cầu, đường kính 1 – 1,3 cm, có 5 gờ nông ở đầu quả là dấu vết của tràng hoa còn lại, khi chín màu tím đen. Hạt nhiều, nhỏ màu vàng nâu.

Ra hoa tháng 9 – 10, quả chín tháng 11 – 12 hàng năm.

Hoa, quả sâm-dây
Hoa, quả sâm dây

 

3. Điều kiện sinh thái.

Cây ưa am, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, nhất là khi còn nhỏ; thường mọc lẫn với các loại cỏ thấp ở ven rừng kín thường xanh am, trên các trảng sau nương rẫy và còn thấy bên các hốc đá ven rừng núi đá vôi. Độ cao phân bố 600 – 1.600 m.

Cây lâu năm, sau mùa hoa quả toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi vào mùa Đông, đến mùa Xuân năm sau, từ phần đầu củ dưới mặt đất mọc lên 1-2 chồi thân mới. Cây sinh trưởng phát triển mạnh trong mùa mưa am, đến giữa hoặc cuối mùa Thu bắt đầu có hoa. Trong tự nhiên, cây mọc từ hạt thường sang năm tuổi thứ 2 mới ra hoa quả, song cá biệt có cây có hoa ngay trong năm đầu tiên.

II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

1. Lựa chọn vùng trồng.

Chọn vùng đất tương đối mầu mỡ và am, hoặc đất sau nương rẫy, dưới tán cây gỗ, đất tơi xốp, không lẫn sỏi đá ở độ cao từ 700-1200m so với mực nước biển. Đất có độ pH từ 4,0 – 5,5, độ dốc dưới 300 có khí hậu mát mẻ, khu vực trồng không bị ngập úng, dễ thoát nước khi có mưa lớn, gần với nguồn nước để thuận tiện cho việc tưới cho cây trồng.

Đảng sâm thích nghi với khí hậu mát mẻ ở vùng Trung du, miền núi, cây phát triển tốt ở nơi có nhiệt độ trung bình từ 15 – 180C; lượng mưa hàng năm từ 1.500 – 2.800 mm. Trong điều kiện mát mẻ cây sinh trưởng nhanh, ở những vùng nóng cây phát triển chậm hơn.

2. Giống và kỹ thuật nhân giống.

a. Kỹ thuật nhân giống:

Bằng theo 2 cách:

– Nhân giống từ hạt: Hạt được ngâm trong nước lã với khoảng thời gian là 8 giờ và ủ trong túi vải 12 giờ, sau đó đem gieo. Cách gieo hạt; Hạt giống được gieo đều trên mặt luống vườn ươm với lượng gieo từ 0,27- 0,3 (g) hạt/m2 (2,7- 3kg hạt/ha), sau đó phủ một lớp đất mỏng lên trên. Tùy theo điều kiện thời tiết, chú ý tưới giữ am cho vườn ươm và làm cỏ dại, làm giàn che, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời. Cây sau 3 tháng gieo trên luống ươm, ra 6 – 8 lá, cao 8 – 10cm, có thể mang đi trồng. Nếu làm đất chưa kịp có có thể gieo vào bầu.

– Nhân giống từ đầu củ: Tận dụng các đầu củ sau khi thu hoạch về và đã được cắt phần dưới làm nguyên liệu sản xuất thuốc. Chọn và cắt đầu củ không bị sâu bệnh hay dập nát. Độ dài của đầu củ sau khi cắt dài từ 2 – 3 cm, đường kính đầu củ từ 0,5- 2cm, giâm vào tháng 2 hàng năm. Giá thể giâm hom là cát vàng đã được xử lý bằng dung dịch thuốc tím KMnO4 0,1%; nhặt sạch tạp chất lẫn trong cát; lên luống cao 20-30cm. Trước khi giâm chấm bề mặt cắt vào chất điều hòa sinh trưởng (IBA (dạng bột) ở nồng độ 0,5%. Đặt đầu củ theo hướng thang đứng, sau đó phủ 1 lớp cát kín mặt trên của đầu củ. Khoảng cách giữa các đầu mầm cắm trong luống giâm 2 x 3cm; có thể giâm hom thang vào bầu. Thành phần ruột bầu: 94% đất + 5% phân chuồng ủ hoai + 1% Supelân; vỏ bầu bằng P.E, kích thước 7-8cm, cao 11-12cm, đáy bầu có đục lỗ. Tùy theo điều kiện thời tiết mà có chế độ tưới cho hom phù hợp. Định kỳ sau 2 tuần dùng dung dịch chống nấm Viben C 0,5% phun đều để tránh nấm bệnh phát triển. Đầu củ sau khi giâm khoảng 5 ngày ra chồi mới.

b. Vườn ươm:

– Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, hơi dốc, không lẫn đá sỏi, có đủ ánh sáng và chủ động nước.

– Làm đất: Cày, cuốc đất để ải trước 30 ngày, sau đó đập đất nhỏ nhặt sạch cỏ dại, lên luống cao 20 cm, rộng mặt luống 80 cm có hình mu rùa, rãnh luống rộng 40 cm.

– Phân bón cho vườn ươm (Tính cho 1 sào bắc bộ = 360m2)Phân chuồng hoai mục 120 kg ( hoặc sử dụng phân vi sinh hoặc supe lân 10 kg) + NPK 10 kg + Vôi bột 15 kg. Cách bón: Trộn đều tất cả lượng phân chuồng, phân vi sinh, vôi bột với đất đã được sàng lọc nhỏ, sau đó ủ lấy bạt dứa bao kín hố phân sau khoảng 30 ngày lấy ra để bón lót. Sử dụng phân NPK bón thúc khi cây thiếu dinh dưỡng.

c. Chăm sóc vườn ươm:

– Làm vòm che: Làm mái che bằng nilon màu trắng, để hạn chế nước mưa và bệnh thối nhũn và lở cố rễ.

– Sau khi hạt/hom mọc mầm dỡ bỏ rơm rạ, thường xuyên thăm vườn, làm cỏ và tỉa bớt cây xấu, nếu phát hiện cây bị bệnh cần phun Daconil 75WP hoặc thuốc có gốc đồng theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

– Khi cây mọc được 30- 40 ngày thấy cây thiếu dinh dưỡng bón bố sung phân NPK (10kg/sào) bằng cách pha loãng tưới cho cây.

– Trước khi xuất vườn khoảng 30 ngày cần luyện cây hạn chế tưới nước, dỡ bỏ che phủ nilon.

d. Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn:

Cây giống chăm sóc trong vườn ươm sau 3 tháng có thể đem trồng khi cây giống có chiều cao từ 8 – 10 cm, có từ 6 – 8 lá, cây khỏe, không sâu bệnh đạt tiêu chuan xuất vườn.

3. Thời vụ trồng.

– Vụ Xuân: Gieo tháng 2 – 3, trồng vào tháng 5 – 6.

– Vụ Thu: Gieo tháng 9 – 10, trồng vào tháng 2 – 3 năm sau.

4. Kỹ thuật làm đất.

– Làm đất: Đất được cày lật, phơi ải để diệt bớt côn trùng và cỏ dại trước khi trồng 30 ngày; sau đó bón vôi và bừa đất lại cho kỹ, làm đất nhỏ và tơi xốp, thu gom sạch cỏ dại. Đất phải đảm bảo thoát nước tốt vào mùa mưa và giữ am vào mùa khô.

– Lên luống: Cao 30 – 35cm, mặt luống rộng 80 cm, rãnh 30cm, nếu trồng trên đất dốc phải làm luống theo đường đồng mức để tránh xói mòn đất, thoát nước nhanh sau khi mưa. Ngoài ra, sau khi lên luống và bón phân lót xong có thể dùng màng nilon phủ luống để hạn chế cỏ dại.

Vườn trồng sâm-dây
Vườn trồng sâm dây

 

5. Mật độ và khoảng cách trồng.

Mật độ 125.000 cây/ha, khoảng cách trồng 40 x 20cm.

6. Kỹ thuật trồng.

Chọn cây đủ điều kiện xuất vườn, trước khi nhố cây để trồng nên tưới am cho vườn ươm khi đánh cây tránh làm đứt rễ, cây bầu phải xé túi bầu trước khi trồng. Khi trồng đặt cây giống vào giữa hốc đã xác định mật độ khoảng cách dùng tay nhẹ nhàng vun đất xung quanh cây, chỉ lấp kín phần gốc rễ, sau đó ấn chặt đất. Trồng xong phải tưới nước ngay để cố định cây và giữ ẩm cho cây nhanh hồi xanh.

7. Phân bón và kỹ thuật bón phân.

Đảng sâm trồng từ 2 – 3 năm mới thu hoạch, thường trồng Đảng sâm vừa thu hoạch giống, vừa thu dược liệu.

– Lượng phân bón cho 01 ha: Phân chuồng hoai mục 20 tấn, 450-500 kg Urê, 500-600 kg Super lân, 200-250 kg Kali, 500kg vôi bột.

– Phương pháp bón:

+ Bón lót: toàn bộ lượng phân chuồng và 1/3 lượng phân Lân, trộn đều bo theo hốc sau đó lấp đất lại.

+ Bón thúc:

  • Năm thứ 1: bón 1/3 lượng Đạm + 1/3 lượng phân Kali.
  • Năm thứ 2: bón 1/3 lượng Đạm + 1/3 lượng phân Lân và 1/3 lượng phân Kali.
  • Năm thứ 3: bón 1/3 lượng Đạm + 1/3 lượng phân Lân và 1/3 lượng phân Kali.

Lưu ý: Bón lót toàn bộ phân chuồng, 1/3 phân Lân hạn chế bón sau khi đã cắm giàn; riêng phân Đạm, Lân, Kali bón định kỳ mỗi năm bón 3 – 4 lần, kết hợp với các lần làm cỏ xới xáo; Bón bằng cách đánh rạch và rắc phân đều theo hàng, cách gốc 5 – 10cm, sau khi bón vun đất phủ kín phân bón, hoặc hòa nước tưới.

8. Kỹ thuật chăm sóc.

– Trồng dặm: Trồng sau khoảng 7 ngày, cây đã hồi xanh, mọc đều thì kiểm tra, nếu có cây chết, hoặc bị sâu bệnh hại cần tiến hành trồng dặm ngay để đảm bảo mật độ khoảng cách theo quy định.

– Làm giàn: Cây trồng cao khoảng 25-30cm tiến hành làm giàn cho cây leo dùng cây tre, nứa, sặt, hóp để làm giàn. Chiều cao của giàn cao khoảng 1,5m, vót nhọn một đầu cắm xuống đất gần với gốc của cây trồng; cắm giàn leo hình chữ A, điểm giao nhau của chữ A cao khoảng 1,2m, dùng dây vải hoặc dây thép để cố định cho giàn leo được chắc chắn; ở chiều cao 1m buộc các thanh ngang để giàn không bị xô ngang, không nên làm giàn quá cao so với hướng dẫn gây lãng phí và dễ bị đổ nếu có mưa bão lớn và quá trình thu hoạch sau này.

– Tưới nước: Đảng sâm là cây ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng, vì vậy phải thường xuyên theo dõi chế độ tưới nước sao cho đủ ẩm trên đồng ruộng đảm bảo từ 70 – 80% độ ẩm tối đa trên đồng ruộng. Khi bị khô hạn phải tưới nước kịp thời, có thể dùng ô doa tưới nước lên mặt luống ( điều kiện thuận lợi có thể sử dụng phương pháp tưới ngấm), không nên để nước tồn đọng ở rãnh. Khi trời mưa cần khơi rãnh và tiêu hết nước trong rãnh để tránh ngập úng.

– Làm cỏ: Thường xuyên theo dõi và tiến hành làm cỏ, xới xáo, không được dùng thuốc diệt cỏ và các loại trong danh sách bị cấm dùng.

9. Phòng trừ sâu, bệnh hại.

– Sử dụng biện pháp phòng trừ tống hợp IPM để quản lý sâu bệnh hại trên ruộng Đảng sâm, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt không sử dụng thuốc có nguồn gốc hóa học và các thuốc bị cấm.

– Đảng sâm thường bị sâu xám, rệp, bệnh lở cố rễ, cần tiến hành thường xuyên kiểm tra định kỳ để có biện pháp xử lý kịp thời.

+ Đối với sâu xám, khi mật độ sâu phá hoại còn thấp có thể dùng tay bắt sâu vào các buối sáng sớm hay chiều tối, hoặc dùng bẫy chua ngọt để bắt bướm. Nếu bị hại nặng có thể dùng thuốc Thiamethoxam (Actara 25WG, 350FS) hoặc Abamectin (Shertin 3.6EC, 5.0EC); nồng độ, lượng dùng theo đúng chỉ dẫn nhãn thuốc.

+ Đối với rệp: Để phòng trừ cần nhố sạch cỏ dại, thu gom sạch sẽ những tàn dư của cây ở vụ trước khi cây bước vào giai đoạn ngủ đông, nếu mật độ cao có thể dùng thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ.

+ Bệnh lở cố rễ: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, loại bỏ và tiêu hủy những cây con bị nhiễm bệnh để tránh lây lan; Khi bệnh hại nặng có thể dùng một số loại thuốc trừ nấm như: Daconil 75 WP, Validamycin tưới trực tiếp dung dịch thuốc vào gốc cây.

10. Thu hoạch, sơ chế.

Thông thường vào tháng 12- 1 năm sau (dương lịch), sau khi cây đã được thu hái hết quả và toàn thân đã bị rụng hết lá. Trước khi thu hoạch cần dỡ bỏ giàn leo, sau đó dùng cuốc, thuống để đào (đào sâu, tránh sây sát, làm đứt rễ, củ). Để đạt được năng suất chất lượng tốt cần phải chú ý: Tránh thu cây sau những đợt mưa kéo dài, lúc đó hàm lượng hoạt chất thấp và tỷ lệ nước trong dược liệu cao.

Nên thu hoạch dược liệu vào những ngày nắng to, có điều kiện phơi sấy đảm bảo chất lượng dược liệu tốt, không được thu dược liệu sau khi bón phân hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật phải cách ly ít nhất 4- 5 tuần trước khi thu hoạch. Nhặt bỏ lá cây và cỏ rác bị lẫn vào khi thu hái, cắt bỏ phần gốc thân còn lại và cắt bỏ các rễ con rửa bằng nước sạch 2 lần cho hết đất cát, vớt ra rố hoặc dàn thưa cho rút hết nước trước khi đem phơi và tiêu thụ.

Các bạn có thêm xem thêm ở video sau:

Chúc các bạn thành công! Nếu có thắc mắc, các bạn có thể để lại bình luận bên dưới, mình sẽ cố gắng phản hồi sớm nhất có thể!

Tác giả: Phạm Ngọc Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi