Quy trình nhân giống nấm cấp III

Thứ sáu - 17/12/2021 10:07
Bài viết hướng dẫn chi tiết quy trình nhân giống nấm cấp III từ giống nấm cấp II, với 2 môi trường phổ biến là môi trường dạng hạt và môi trường dạng que.
Quy trình nhân giống nấm cấp III
Quy trình nhân giống nấm cấp III

1. Quy trình nhân giống nấm cấp III

quy trinh nhan-giong nam cap iii
Quy trình nhân giống nấm cấp III

2. Cách tiến hành

2.1. Chuẩn bị giống nấm cấp II

Giống nấm cấp II dùng để nhân giống cấp III phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

  • Sợi giống nấm phải thuần chủng, không nhiễm vi sinh vật.
  • Hệ sợi tơ nấm phải khỏe
  • Tơ nấm phân bố đều, kín chai giống

* Chú ý: Nếu dùng giống cấp II được bảo quản ở điều kiện lạnh để nhân giống, trước khi sử dụng phải đưa về điều kiện nhiệt độ bình thường ít nhất 1 – 2 ngày.

Các bạn có thể xem thêm các bài viết sau:

2.2. Làm môi trường nhân giống nấm cấp III

2.2.1. Làm môi trường dạng hạt

a. Chuẩn bị nguyên vật liệu pha chế môi trường

– Công thức môi trường nhân giống cấp III:

  • Thóc luộc
  • Bột nhẹ (CaCO3): 1 – 1,5% (so với tỉ lệ thóc luộc)

– Thóc tẻ: có chất lượng tốt, chọn loại thóc không dẻo, không bị mốc, không bị sâu mọt đục phá.

– Bột nhẹ: có chất lượng tốt, pH< 9.

– Túi nilon đã gấp đáy vuông có kích thước 16 x 28cm;

– Cổ nhựa, nắp nhựa, bông không thấm, dây cao su (dây chun)

b. Làm môi trường

– Bước 1: Ngâm thóc

+ Cân khối lượng thóc cần xử lý cho vào thau.

+ Ngâm thóc trong nước sạch thời gian từ 12 – 16 giờ để thóc ngấm đủ nước.

+ Rửa thóc bằng nước sạch sau khi ngâm đủ thời gian, nhằm loại bỏ hạt lép lửng và khử mùi chua.

– Bước 2: Luộc thóc

+ Cho thóc vào nồi luộc và thêm nước sạch cho đến khi ngập thóc.

+ Tiến hành luộc thóc cho đến khi vỏ trấu mở khoảng 1/3, kiểm tra không còn lõi trắng ở giữa là đạt yêu cầu.

* Chú ý: Thường xuyên khuấy đảo trong quá trình luộc để độ nở hạt thóc đều nhau. 

+ Vớt thóc đã luộc ra rổ rá, để nguội đến khoảng 45 – 500C.

– Bước 3: Phối trộn bột nhẹ vào thóc luộc

+ Cân khối lượng thóc sau khi luộc cho vào thau.

+ Cân bột nhẹ: tỉ lệ tương ứng với lượng thóc đã luộc theo công thức môi trường.

+ Cho bột nhẹ vào thóc đã luộc và trộn đều.

* Chú ý: Kiểm tra độ ẩm thóc từ 65 – 70% là đạt yêu cầu.

– Bước 4: Cho hỗn hợp thóc và bột nhẹ vào túi nilon

+ Cân 500g thóc có bột nhẹ vào túi nilon đã gấp đáy vuông. Kích thước túi 16 x 28cm.

+ Làm cổ nút cho các túi môi trường cấp III

+ Làm nút bông bằng bông không thấm nước.

+ Đậy nút bông chai môi trường bằng giấy bọc hoặc nắp nhựa.

2.2.2. Làm môi trường dạng que

a. Chuẩn bị nguyên vật liệu làm môi trường

– Công thức môi trường nhân giống nấm:

  • Que sắn luộc
  • Cám gạo: 2%
  • Bột ngô: 3%
  • Bột nhẹ (CaCO3): 1,2 – 1,5%

– Que sắn: loại bỏ lõi, cạo sạch vỏ, cắt thành khúc ngắn có kích thước: dài 12 – 13cm, rộng 1 – 1,2cm; bề dày 0,5 – 0,6cm. Que sắn phải thẳng, khô, không bị mốc, sâu mọt đục phá.

– Cám bắp, cám gạo: có chất lượng tốt, không bị ẩm mốc, không bị sâu mọt.

– Bột nhẹ: có chất lượng tốt, pH< 9.

b. Làm môi trường

– Bước 1: Pha nước vôi có pH 12 – 13 bằng cách:

+ Cho vôi sống vào thau thêm nước sạch và dùng que khuấy cho vôi tan đều;

+ Kiểm pH nước vôi bằng cách nhúng mẫu giấy quỳ vào nước vôi;

+ So màu giấy trên bảng so màu và điều chỉnh pH nước vôi đúng yêu cầu.

– Bước 2: Ngâm que sắn trong nước vôi.

+ Cân que sắn và cho vào ngâm trong nước vôi đã pha, thời gian ngâm từ 12 – 14 giờ để que sắn ngấm đủ nước.

+ Rửa que sắn sau khi ngâm bằng nước sạch.

– Bước 3: Luộc que sắn

+ Cho que và nước sạch vào nồi 

+ Luộc que sắn cho đến khi nước thấm đều vào trong lõi, không còn lõi trắng ở giữa que sắn.

Làm môi trường dạng que
Làm môi trường dạng que

+ Vớt que sắn ra rổ.
– Bước 4: Phối trộn tỉ lệ cám bắp, cám gạo và bột nhẹ vào que sắn đã luộc theo công thức môi trường.

– Bước 5: xếp các que sắn đã phối trộn vào các túi nilon (đã được gấp đáy vuông có kích thước 16 x 28 cm), trung bình 1 túi 75 – 80 que là đủ độ chặt.

– Bước 6: Làm cổ nút, nút bông và đậy nắp tương tự như làm môi trường trên môi trường dạng hạt.

2.3. Tiệt trùng môi trường nhân giống nấm cấp III

Thiết bị tiệt trùng: sử dụng nồi áp suất hoặc nồi autoclave

* Phương pháp tiệt trùng môi trường bằng nồi áp suất, gồm các bước như sau:

– Bước 1: Lắp tấm giá đỡ có đục lỗ vào trong nồi áp suất.

– Bước 2: Đổ nước sạch vào nồi sao cho không ngập tấm giá đỡ (hình 4.31).

– Bước 3: Đặt các túi môi trường đã đậy nút bông vào nồi, sau đó đậy kín nồi.

– Bước 4: Hấp ở nhiệt độ 1210C trong 90 phút để tiệt trùng môi trường. Sau đó để nguội.

– Bước 5: Mở nắp nồi áp suất sau khi nhiệt độ trong nồi còn 370C, tháo bỏ giấy báo hoặc nắp nhựa đậy nút bông, sau đó chuyển các túi môi trường vào phòng để làm nguội.

– Bước 6: Kiểm tra sự lây nhiễm vi sinh vật:

+ Để một vài túi môi trường ra ngoài để kiểm tra;

+ Nếu sau 7 ngày thấy trên bề mặt môi trường có các đốm đen, xanh hoặc môi trường chuyển màu là môi trường chưa hoàn toàn được tiệt trùng.

* Phương pháp tiệt trùng môi trường bằng nồi autoclave

– Bước 1: Chuyển các túi môi trường vào giỏ hấp.

– Bước 2: Cho nước sạch vào nồi hấp và chuyển giỏ môi trường vào nồi hấp.

– Bước 3: Đậy nắp nồi và tiến hành hấp tiệt trùng ở nhiệt độ 121 0C, trong thời gian 90 phút. Sau đó tắt điện, để cho áp suất giảm xuống bình thường.

– Bước 4: Mở nắp nồi, lấy các túi môi trường ra khỏi nồi và kiểm tra độ tiệt trùng môi trường. Cách kiểm tra hoàn toàn giống như tiệt trùng bằng nồi áp suất.

2.4. Cấy chuyền giống cấp III

2.4.1. Khử trùng tủ cấy và dụng cụ cấy giống

– Bước 1: Khử trùng tủ cấy bằng cách dùng bông thấm cồn lau sạch tủ bên trong, ngoài tủ.

– Bước 2: Đặt tất cả dụng cụ và đồ dùng cấy giống vào trong khoang tủ (tất cả đã được khử trùng ở nhiệt độ 160 – 1700C, thời gian 1,5 – 2 giờ).

– Bước 3: Bật đèn tử ngoại, quạt thông gió tủ sấy. Sau khi bật khoảng 15 – 30 phút thì tắt đèn tử ngoại, quạt thông gió vẫn hoạt động để đẩy hết khí ozon ra khỏi tủ.

* Chú ý khi sử dụng đèn tử ngoại:

– Trong thời gian bật đèn tử ngoại không đuợc làm việc trong phòng.

– Không được nhìn trực tiếp vào đèn khi đang bật.

– Sau khi tắt đèn khoảng 15 – 20 phút mới được vào phòng.

2.4.2. Cấy chuyền giống từ giống cấp II sang môi trường cấp III

Phương pháp cấy giống này được áp dụng chung cho cả hai loại giá thể môi trường dạng hạt hoặc dạng que

Bước 1: Mang bảo hộ: áo bluse, khẩu trang ngồi vào vị trí cấy và dùng bông thấm cồn lau từ khuỷu tay đến các ngón tay, kẽ tay.

Bước 2: Dùng bông thấm cồn lau chai giống cấp II và các túi môi trường cấp III trước khi đưa vào tủ cấy.

Bước 3: Đốt lửa để đèn cồn cháy tự do trong tủ thời gian 2 – 3 phút, ngọn lửa đèn cồn nên cao từ 3 – 4cm.

Bước 4: Khử trùng dụng cụ cấy bằng cách nhúng cồn và đốt trực tiếp trên ngọn lửa đèn cồn thao tác tiến hành 2 – 3 lần và để nguội.

Bước 5: Mở nút bông chai giống cấp II bằng kẽ tay và khử trùng miệng chai trên ngọn lửa đèn cồn, dùng que cấy tơi rời các hạt giống tránh làm nát giống.

Bước 6: Mở nút bông túi môi trường cấp III bằng kẽ tay và khử trùng miệng túi trên ngọn lửa đèn cồn.

Bước 7: Chuyển khoảng 15 – 16g giống từ chai giống cấp II sang túi môi trường cấp III bằng que cấy.

Bước 8: Khử trùng nút bông túi giống cấp III và đậy lại giống ban đầu

Bước 9: Bao gói nút bông bằng giấy báo và ghi lại ngày giờ cấy, loại giống cấy trên túi giống cấp III.

Bước 10: Chuyển các túi giống nấm cấp III vào phòng nuôi sợi và đặt trên các giàn kệ sạch sẽ.

2.4.3. Vệ sinh phòng cấy, thiết bị, dụng cụ sau khi cấy

– Vệ sinh dụng cụ: sau khi sử dụng xong chuyển ra ngoài vệ sinh bằng xà phòng, sau đó rửa lại bằng nước sạch, sấy khô, bao gói và đem đi khử trùng, để chuẩn bị cho lần sau.

– Vệ sinh tủ cấy: dùng bông thấm cồn vệ sinh cả bên trong và bên ngoài tủ, sau đó dùng màn phủ kín tủ lại để hạn chế bụi bẩn.

– Vệ sinh phòng cấy:

+ Dọn quét sạch sẽ các rác thải ra trong quá trình cấy giống

+ Lau phòng cấy bằng nước sạch hoặc có thể dùng formol để khử trùng.

2.5. Nuôi sợi giống nấm cấp III

2.5.1. Điều kiện môi trường phòng nuôi sợi

– Yêu cầu phòng nuôi sợi giống nấm cấp III:

+ Phòng sạch sẽ không có bụi bẩn, rác thải, không bị ẩm mốc

+ Phòng không cần ánh sáng tự nhiên, khô thoáng

+ Phòng có đầy đủ hệ thống điện

+ Có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ khi cần

– Điều chỉnh nhiệt độ phòng nuôi sợi bằng hệ thống máy điều hòa sao cho phù hợp với từng loại giống nấm và thời gian phát triển hệ sợi giống các loại giống nấm sẽ khác nhau:

Giống nấm Nhiệt độ nuôi sợi (0C) Thời gian nuôi (ngày)
Giống nấm rơm 28 – 32 12 – 14
Giống nấm sò 24 – 26 13 – 15
Giống nấm mộc nhĩ 26 – 30 13 – 15
Giống nấm trà tân 24 – 26 15 – 20
Giống nấm mỡ 22 – 24 30 – 35
Giống nấm hương 22 – 24 10 – 12
Giống nấm linh chi 24 – 27 12 – 15

2.5.2. Phát hiện, phòng ngừa và xử lý giống cấp III bị nhiễm bệnh:

Trong thời gian nuôi sợi cấp III, phải thường xuyên kiểm tra các túi giống không đạt yêu cầu. Nếu phát hiện có túi giống bị nhiễm vi sinh vật cần loại bỏ khỏi phòng nuôi kịp thời để tránh lây nhiễm.

a. Một số hiện tượng bệnh trong quá trình nuôi sợi

* Hiện tượng sợi giống không phát triển

– Biểu hiện: Sau khi cấy giống từ 2-3 ngày, hạt giống không bung sợi và phát triển lan vào khối môi trường cấp III.

– Nguyên nhân:

+ Môi trường nuôi không phù hợp.

+ Giống cấp II đã bị thái hóa.

+ Điều kiện nuôi sợi không phù hợp.

– Cách phòng ngừa:

+ Kiểm tra môi trường trước khi đóng túi.

+ Kiểm tra giống cấp II trước khi cấy.

+ Điều chỉnh điều kiện phòng nuôi sợi hợp lý.

* Hiện tượng trong túi giống rỉ nhựa hoặc chảy nước đục

– Biểu hiện: Sau 4 – 10 ngày nuôi sợi, túi giống cấp III có hiện tượng hạt thóc chảy nước đục hoặc rỉ nhựa.

– Nguyên nhân:

+ Luộc thóc chưa đạt yêu cầu, phần giữa lõi chưa chín đều.

+ Hấp tiệt trùng không đạt nhiệt độ hoặc chưa đủ thời gian.

– Cách phòng ngừa:

+ Luộc thóc phải chín đều.

+ Tiệt trùng môi trường phải đúng theo quy định.

* Hiện tượng túi giống bị nhiễm vi sinh

– Biểu hiện: Trong túi giống có các chấm đen, xanh, vàng hoa cau hoặc sợi bị rối.

– Nguyên nhân:

+ Hấp tiệt trùng môi trường chưa đạt yêu cầu.

+ Điều kiện nuôi sợi quá nóng.

+ Thao tác cấy giống không đúng yêu cầu.

+ Môi trường cấy giống, môi trường nuôi sợi bị nhiễm vi sinh vật.

– Cách phòng ngừa:

+ Tiệt trùng môi trường phải đúng theo quy định về nhiệt độ, thời gian.

+ Chế độ nuôi sợi phù hợp với từng loại giống nấm.

+ Quá trình cấy giống phải thực hiện trong điều kiện vô trùng.

+ Định kỳ khử trùng phòng cấy giống, phòng nuôi sợi.

* Hiện tượng giống quá già

– Biểu hiện: Bên ngoài khối giống kết một lớp màng dày chuyển dần từ màu trắng sang màu vàng

– Nguyên nhân: Do lưu giữ giống trong thời gian quá lâu

– Cách xử lý: Chúng ta có thể tận dụng bằng cách lấy phần giống ở lõi để cấy sản xuất.

b. Cách xử lý

Khi các túi giống cấp III đã bị các hiện tượng trên cần phải loại khỏi phòng nuôi kịp thời và hủy toàn bộ những túi giống đó theo trình tự như sau:

– Chuyển toàn bộ túi giống bị nhiễm vào nồi khử trùng;

– Tiệt trùng trong thời gian 30 phút để tiêu diệt vi sinh vật bị nhiễm;

– Thu gom cho vào sọt rác.

2.6. Bảo quản giống nấm cấp III

Khi giống nấm ăn kín túi, những túi giống có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn được sử dụng cho nuôi trồng hoặc đưa vào bảo quản

– Bảo quản giống nấm là kìm hãm quá trình sinh trưởng hệ sợi nấm nhằm kéo dài thời gian sử dụng giống nấm.

– Phương pháp bảo quản: bảo quản ở nhiệt độ thấp

– Thiết bị bảo quản: tủ mát hoặc tủ lạnh

Mối quan hệ giữa nhiệt độ bảo quản và thời gian bảo quản các loại giống nấm được thể hiện theo bảng sau:

Giống nấm Nhiệt độ bảo quản (°C) Thời gian bảo quản (ngày)
Giống nấm sò 22 – 25 7
  17-20 10-15
  4-8 30-45
Giống nấm rơm 25 – 27 5
  17-20 15
Giống mộc nhĩ/que sắn 22 – 25 15
  15-20 30
Giống mộc nhĩ/mùn cưa 22 – 25 7-10
  15-20 15-20

3. Vận chuyển giống nấm cấp III

Trong quá trình vận chuyển giống nấm, đặc biệt là giống nấm trong các túi nilon cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

– Cẩn thận, tránh va đập mạnh làm dập nát hay làm vỡ chai giống.

– Không nên chèn ép các túi hoặc chai giống nấm.

– Các túi giống nấm hoặc chai nấm phải được đặt thẳng đứng, trong các thùng giấy hoặc thùng xốp, có độ thông thoáng, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp.

– Thời gian vận chuyển giống nấm không nên quá lâu.

– Sau khi vận chuyển đến nơi phải lấy giống ra khỏi thùng để nơi mát mẻ, khô thoáng, sau thời gian 1- 2 ngày mới tiến hành đưa vào sản xuất.

Các bạn có thể tham khảo thêm ở video sau:

Chúc các bạn nhân giống nấm thành công! Nếu có thắc mắc, các bạn có thể để lại bình luận bên dưới, mình sẽ cố gắng phản hồi sớm nhất có thể!

Tác giả: Phạm Ngọc Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi