Quy trình chăm sóc cây Sầu riêng

Chủ nhật - 19/12/2021 02:19
Sầu riêng là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, do có khí hậu đặc thù nên sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên chín lệch vụ so với những vùng còn lại. Tại Đắk Lắk, sầu riêng được coi là cây ăn quả tiềm năng bởi giá trị kinh tế mà cây sầu riêng mang lại cao hơn nhiều loại cây công nghiệp thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, để sầu riêng cho năng suất cao, chất lượng tốt, cây không bị suy kiệt làm ảnh hưởng đến các vụ tiếp theo thì việc trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật là vô cùng cần thiết.
Quy trình chăm sóc cây Sầu riêng
Quy trình chăm sóc cây Sầu riêng

I. Trồng cây chắn gió

Sầu riêng tuy là cây to, nhưng gỗ lại giòn dễ gãy, vì thế cần trồng những hàng cây cao lớn, chắc chắn, khó đỗ gãy xung quanh vườn sầu riêng, để tránh đổ cây gãy cành, rụng trái… đồng thời hàng cây chắn gió này còn giúp điều hòa nhiệt độ và ánh sáng trong khu vườn.

Cây trồng để chắn gió cần chọn những loại cây phát triển nhanh, mạnh, dẻo dai, rễ cọc ăn sâu, không hoặc ít bị những loại sâu bệnh thường gây hại nhiều cho cây sầu riêng. Theo kinh nghiệm của nhà vườn ở những tỉnh phía Nam thì có thể dùng một số loại cây như Mít, cóc, dừa, phi lao, bạch đàn, xoài, xà cừ…

II. Làm cỏ, xới xáo, trồng xen che phủ đất

Thường xuyên làm cỏ, vệ sinh vườn tược, xới xáo cho đất tơi xốp và sạch cỏ dại. Mùa khô nên tủ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô, lá cây…để giữ ẩm.

Cây trồng xen phải trồng cách xa gốc cây sầu riêng ít nhất là 0,5 mét. Phải làm sạch cỏ xung quanh gốc gốc để hạn chế độ ẩm vùng xung quanh gốc để hạn chế bớt tác hại của nấm Phytophthor cho cây sầu riêng. Vào mùa khô dùng rơm rạ, cỏ khô…phủ xung quanh gốc một lớp dày khoảng 10-20cm (Cách gốc 20 cm để vùng gốc luôn khô ráo) để giữ ẩm cho cây. Vào mùa mưa gỡ bỏ lớp che phủ.

III. Bồi mô, bồi liếp, vun gốc

Đối với những vùng đất thấp phải dắp mô để trồng thì những năm đầu mỗi năm phải bồi thêm đất vào chân mô để mở rộng chân mô. Từ năm thứ 3 thứ 4 trở đi thì bồi đất lên mặt liếp mỗi năm một lần vào đầu mùa khô để nâng dần độ cao của liếp.

Đối với những vùng đất cao đào hốc và trồng trực tiếp trên mặt vườn thì hàng năm dùng đất tốt vun rải một lớp mỏng vào xung quanh gốc.

hàng năm, kết hợp với mỗi lần bón phân làm gốc cần xới nhẹ xung quanh gốc ( đường kính khoảng 1,2-1,5 mét) sâu 5 cm.

IV. Tưới nước

Mặc dù là cây sợ ngập úng, nhưng cây sầu riêng lại rất cần nước, đặc biệt là thời kỳ cây con và giai đoạn ra hoa kết trái. Mùa khô cần tưới nước thường xuyên để đảm bảo đủ ẩm cho cây. Vào giai đoạn cây đang ra hoa kết trái chỉ cần tưới đủ ẩm , tránh tưới quá nhiều dễ gây rụng hoa , rụng trái và sau này cơm trái có thể bị nhão.

Để hạn chế bốc hơi nước trong mùa khô nên dùng rơm rạ, cỏ khô tủ xung quanh gốc, nhưng đến mùa mưa thì phải gỡ bỏ sạch sẽ lớp che phủ này để gốc không bị ẩm ướt. Trong vườn cần có hệ thống thoát nước để kịp thời thoát nước mỗi khi có mưa, tránh vườn bị ngập úng, ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm bệnh gây thối rễ phát triển.

Bón phân cho cây sầu-riêng
Bón phân cho cây sầu riêng

 

V. Bón phân

Lượng phân bón nhiều hay ít tùy thuộc vào tuổi cây đã lớn hay còn nhỏ, mức độ sinh trưởng của cây tốt hay xấu, đất đai màu mỡ hay cằn cỗi…

Lượng phân bón cho mỗi cây sầu riêng như sau:

Năm thứ nhất khoảng 0,2-0,3 kg Urea, 0,3 kg Super Lân và 0,1 kg Sulfat Kali. Còn ở năm thứ hai và thứ ba thì mỗi năm bón khoảng 0,7 kg Urea, 0,6 kg Super Lân và 0,2 kg Sulfat Kali

Cách bón và thời điểm bón phân: Chia ra làm 2 lần bón vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Ngoài ra, ở những năm đầu mỗi năm bón 10-15 kg phân hữu cơ cho một cây.

Khi cây đã bắt đầu cho trái mỗi năm bón cho mỗi cây khoảng 1 kg Urea, 1,5 kg Super Lân và 0,5 kg Sulfat Kali và 15-20 kg phân hoai mục. Số phân này được này được chia ra bón làm 3 lần như sau:

  • Lần 1: 1/3 Đạm, 1/2 Kali trước lúc cây ra hoa.
  • Lần 1: 1/3 Đạm, 1/2 Kali khi trái có đường kính 10-15 cm.
  • Lần 3: 1/3 Đạm, toàn bộ phân Lân và phân hữu cơ hoai mục.

Khi cây đã bước vào giai đoạn cho trái ổn định, có thể bón như sau:

  • Lần 1: Sau khi thu hoạch trái, tiến hành cắt tỉa cành và bón khoảng 20-30 kg phân hữu cơ cho một cây, 0,7 kg Urea, 1,1 kg Super Lân và 0,15 kg Sulfat Kali và 0,05 kg Sulfat Magie. Khi cây lớn có thể tăng lượng phân này lên gấp đôi.
  • Lần 2: Bón trước khi cây ra hoa 30-40 ngày, giai đoạn này cây cần nhiều Lân để xúc tiến quá trình phân hóa mầm hoa và ra hoa thuận lợi, vì thế cần tăng cường thêm phân Lân. Tỷ lệ pha trộn phân NPK lần này là 10:50 và 7. Liều lượng cụ thể của từng loại phân đơn để pha trộn như sau: cú 1,2 kg Ure thì trộn với 17 kg super Lân và 1,8 kg Sulfat Kali, và bón cho mỗi cây khoảng 2-3 kg hỗn hợp phân này.
  • Lần 3: Bón vào giai đoạn trái lớn cỡ trứng gà để nuôi trái. Lần bón này chú ý tăng cường thêm phân Đạm, Kali và bón thêm Magie. Tỷ lệ pha trộn các loại phân này với nhau là 12:12:17:2. Cụ thể là cứ 3,7 kg Ure + 11kg Super Lân + 5 kg Sulfat Kali + 0,3 kg Magie. Và bón cho mỗi gốc khoảng 2-3 kg hỗn hợp này.
  • Lần 4: Trước khi thu hoạch trái khoảng 1 tháng , bón cho mỗi gốc khoảng 2-3 kg phân NPK loại 16:16:8, kết hợp với 1-1,5 kg KNO3. không nên bón trễ hay sớm hơn vì sẽ làm cho trái sượng hoặc nhão.

Cách bón: Hai năm đầu pha phân loãng trong nước rồi tưới xung quanh gốc. Từ năm thứ 3 trở đi xới một lớp mỏng đất xung quanh gốc rồi rải phân sau đó phủ lớp đất hoặc rơm rạ, cỏ khô…lên trên, tưới nước cho phân tan và nằm xuống đất cung cấp dần cho cây. Đối với phân hữ cơ thì đào rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, rãnh rộng 0,3 mét, sâu 0,3-0,4 mét rải phân xuống rồi lấp đất.

VI. Cắt tỉa tạo tán

Việc cắt tỉa tạo tán phải được làm sớm ngay từ khi cây còn nhỏ. Mỗi cây chỉ để một thân chính mọc thẳng, trên cây mang nhiều cành cấp 1 mọc ngang tạo với thân chính một góc 450-900 độ, chỉ chừa lại những cành khỏe, mọc đều cành nọ cách cành kia ít nhất 30 cm. Cắt bỏ những cành sườn nhỏ yếu, mọc quá gần nhau , những cành mọc thấp dưới 1 mét kể từ mặt đất. Tsaoj cho vườn cây luôn thông thoáng, giúp cho cây thụ phấn thuận lợi. Hàng năm sau khi thu hoạch, cần tỉa bỏ những cành nhỏ mọc đứng, cành bên trong tán, cành ốm yếu, cành biij sâu bệnh hại nặng, cành mọc quá gần mặt đất, cành bị chết khô, dập gãy…kết hợp với việc bón phân làm gốc cho cây.

Tỉa cành, tạo tán cho cây sầu-riêng
Tỉa cành, tạo tán cho cây sầu riêng

 

VII. Tỉa hoa, tỉa bỏ bớt trái trên cây

Sầu riêng là cây cho rất nhiều hoa, số lượng hoa cao hơn rất nhiều lần so với số lượng trái cần có trên cây, nếu gặp điều kiện thuận lợi cho việc thụ phấn thụ tinh cho hoa thì cây sẽ cho khá nhiều trái, như vậy cây sẽ không đủ dinh dưỡng cung cấp nuôi hết số hoa số trái trên cây, nên cần phải tỉa bớt để tránh việc cạnh tranh dinh dưỡng làm rụng hoa hoặc hoa phát triển không đầy đủ, ảnh hưởng đến thụ phấn, thụ tinh, đậu trái. Khi đã đậu trái cũng cần tỉa bỏ những chỗ trái mọc dày, trái bị méo mó, trái bị sâu bệnh…

Cây sầu riêng thường ra 2-3 đợt trái trong năm, nhà vườn nên cân nhắc, tính toán sao cho việc tỉa bỏ đợt nào, giữ lại đợt nào để có lợi nhất. Sau khi đậu trái, mỗi cành cũng chỉ nên để lại 3-5 trái là vừa.

Tỉa làm 3 lần:

  • Lần 1: Vào tuần thứ 3-4 sau khi hoa nở, trước khi trái bước vào giai đoạn phát triển nhanh. Lần này cần tỉa bỏ những trái ở chỗ mọc dày đặc, những trái nhỏ, dị hình hoặc bị sâu bệnh trên chùm, mỗi chòm chỉ nên để lại một rái.
  • Lần 2: Vào tuần thứ 8 sau khi hoa nở. Tỉa bớt những trái phát triển không bình thường, nhỏ, không cân đối, méo mó để điều chỉnh lại cân bằng về mặt dinh dưỡng, giúp cho quá trình tạo cơm trái được thuận lợi.
  • Lần 3: Vào tuần thứ 10 sau khi hoa nở. Tỉa bỏ những trái có hình dạng không đặc trưng của gióng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phất triển của cơm, kích thước và hình dạng trái.

VIII. Thụ phấn bổ sung

Hoa sầu riêng là hoa lưỡng tính, thường nở vào khoảng 17-18 giờ . Ngay từ khi hoa hé nở cho đến sáng hôm sau núm nhụy cái đã sẵn sàng nhận hạt phấn của nhị đực để thụ tinh. Nhưng bao phấn của nhị đực lại chỉ bắt đầu nứt và tung phấn vào lúc 19-20 giờ cho đến khoảng 23 giờ đêm thì chấm dứt vì nhị đực bị rụng tự nhiên.

Vì vậy từ nửa đêm trở về sáng trên hoa chỉ còn lại nhụy cái, còn các phần tử khác của nhị đực , lá đài phụ, lá dài trong và các cánh hoa đã bị rụng từ nửa đêm. Vì thế vào buổi tối nếu thời tiết tốt, không có mưa gió và côn trùng hoạt động mạnh thì hoa sầu riêng sẽ thụ phấn dễ dàng, thuận lợi. Ngược lại, vào thời gian từ 19-23 giờ nếu gặp điều kiện bất lợi, núm nhụy cái không nhận được hạt phấn nào thì sau đó hoa sẽ tự rụng.

Như vậy hoa sầu riêng có khả năng tự thụ phấn để đậu trái , nhưng nếu gặp điều kiện bất lợi thì khả năng tự thụ phấn sẽ không cao, tỷ lệ đậu trái sẽ ít. Đặc biệt, trái tự thụ phấn thường nhỏ, hình dạng không cân đối so với những trái được thụ phấn chéo. Vì vậy, nếu có điều kiện nên giúp cây thụ phấn thêm bằng tay vào lúc 20-22 giờ đêm để quá trình thụ phấn được diễn ra đầy đủ trên đầu nhụy, nhằm tạo ra những trái sầu riêng đầy đặn không bị lép.

Thụ phấn bằng tay có thể tiến hành như sau: Vào buổi sáng cắt một số hoa của cây giống dùng làm bố, cắt lấy các chùm nhị được cho vào đĩa sứ hoặc thủy tinh trên phủ kín bằng vải màn rồi đặt vào nơi khô ráo, thoáng mát đến chiều là bao phấn nơ, tung phấn.

Đến tối gỡ bỏ cuống nhị và xác bao phấn gom phấm lại. Vào khoảng 20-22 giờ đêm dùng một cây bút lông (cây cọ) nhỏ chấm vào phấn rồi phết nhẹ vào đầu nhụy của hoa trên cây mẹ để truyền hạt phấn đến đầu nhụy giúp quá trình thụ tinh diễn ra dễ dàng.

Ngoài giúp cây thụ phấn bằng tay, có thể áp dụng biện pháp trồng xen các giống sầu riêng khác nhau trong cùng một vườn để trăng khả năng thụ phấn chéo cho cây.

Các bạn có thể xem thêm ở video sau:

Tác giả: Phạm Ngọc Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi