Quy trình nhân giống nấm cấp I

Thứ sáu - 17/12/2021 09:55
Bài viết hướng dẫn chi tiết quy trình nhân giống nấm cấp I, từ việc pha chế môi trường, cấy giống gốc và nuôi sợi và bảo quản giống nấm.

1. Quy trình nhân giống nấm cấp I

Quy trình tạo giống-nấm cấp 1
Quy trình tạo giống nấm cấp 1

2. Cách tiến hành

Giống gốc phân lập từ quả thể nấm
Giống gốc phân lập từ quả thể nấm


2.1. Giống gốc

Giống gốc là giống được phân lập trực tiếp từ quả thể nấm, bào tử của nấm hoặc sợi nấm.

Giống gốc quyết định rất lớn đến chất lượng giống cấp I cũng như năng suất của nấm trong quá trình nuôi trồng, vì vậy cần phải chọn gốc có chất lượng tốt.

Giống gốc tốt phải đạt các yêu cầu sau:

– Giống thuần, không lẫn tạp;

– Tơ mọc khỏe, chia nhánh đều;

– Tơ nấm ăn kín mặt thạch hoặc ăn vòng thành ống nghiệm, ít tơ kí sinh, tơ rối bông.

2.2. Nguyên liệu làm môi trường

– Công thức môi trường nhân giống nấm cấp I (môi trường PDA), các thành phần sau tính cho 1 lít môi trường như sau:

  • Khoai tây: 200g
  • Giá đậu xanh: 200g
  • Bột ngô + cám gạo: 25g
  • Đường glucô (hoặc saccarô): 20g
  • Agar: 20g
  • pH: 7,0 
  • Nước vừa đủ: 1 lít Khoai tây: 200g
  • Giá đậu xanh: 200g
  • Bột ngô + cám gạo: 25g
  • Đường glucô (hoặc saccarô): 20g
  • Agar: 20g
  • pH: 7,0 
  • Nước vừa đủ: 1 lít

– Nước: dùng nước cất hoặc nước sinh hoạt là đạt yêu cầu.

– Bột ngô, cám gạo: loại còn mới, không bị mốc, mọt, ẩm ướt.

– Khoai tây: chọn loại tốt, không bị hư hỏng, không bị nẩy mầm.

– Giá đậu xanh: tươi, không được dùng giá xử lý bằng hóa chất, không lẫn tạp chất.

2.3. Thu dịch chiết

a. Thu dịch chiết khoai tây

– Gọt vỏ và rửa sạch khoai tây.

– Thái khoai tây thành khối vuông (hình hạt lựu) có kích thước khoảng 1 – 2cm

– Nấu khoai tây: cho khoai tây đã thái cùng với 400ml nước vào nồi. Đun sôi khoảng 15-20 phút cho khoai tây mềm (dùng tay bóp nhỏ là được).

– Lọc dịch khoai.

b. Thu dịch chiết giá đậu xanh

– Cân 200g giá đậu và đong 300ml nước cất cho vào nồi;

– Đun sôi giá đỗ trên bếp cho đến khi giá chín có màu trắng trong;

– Lọc qua vải lọc để thu dịch chiết giá đậu xanh.

Cách thực hiện tương tự như thu dịch chiết khoai tây.

c. Thu dịch chiết từ bột ngô, cám gạo

– Cho hỗn hợp 200ml nước ấm (500C) và 25 gam bột cám (cám ngô và cám gạo) vào cốc;

– Khuấy trộn trong 4 – 5 phút;

– Để yên 10 – 15 phút để lắng cặn bã;

– Lọc qua vải lọc 2 – 3 lần và thu dịch trong.

2.4. Pha chế môi trường cấp I

– Bước 1: Cho dịch nước chiết từ: khoai tây, giá đậu xanh, bột ngô và cám gạo vào cốc, thêm nước vào cho đủ 1 lít.

– Bước 2: Đổ hỗn hợp dịch vào nồi, cho tiếp 20 gam đường và 20 gam agar vào. Đặt nồi lên bếp đun nhỏ lửa và khuấy cho đường và agar tan hết.

– Bước 3: Phân phối nhanh hỗn hợp môi trường cấp I còn nóng vào ống nghiệm hoặc chai thuỷ tinh. Lượng môi trường cho vào mỗi ống nghiệm là 6 – 7 ml, mỗi chai thuỷ tinh là 8 – 10ml.

– Bước 4: Đậy miệng ống nghiệm hoặc chai thủy tinh bằng nút bông không thấm nước. Nút bông không quá chặt hay quá lỏng, phần tròn đều đặt vào phía trong.

– Bước 5: Sau đậy nút bông, dùng giấy bọc đầu nút bông, dùng dây buộc lại.

2.5. Tiệt trùng môi trường nhân giống nấm cấp I

– Bước 1: Lắp tấm giá đỡ có đục lỗ vào trong nồi áp suất.

– Bước 2: Đổ nước vào nồi sao cho không ngập tấm giá đỡ.

– Bước 3: Đặt các chai hoặc ống nghiệm có môi trường đã được đậy nút bông vào nồi, sau đó đậy kín nồi.

– Bước 4: Hấp ở nhiệt độ 1210C trong thời gian 20 – 30 phút để tiệt trùng môi trường.

– Bước 5: Mở nắp nồi áp suất khi nhiệt độ trong nồi đã giảm xuống khoảng 500C.

– Bước 6: Tạo bề mặt môi trường nghiêng:

+ Để nghiêng các chai môi trường sau khi lấy ra khỏi nồi, sao cho môi trường không chạm nút bông;

+ Khi môi trường trong chai đã đông hẳn, cất vào nơi khô ráo, sạch sẽ để dùng dần.

– Bước 7: Kiểm tra môi trường sau khi tiệt trùng:

+ Để một vài chai ra ngoài môi trường để kiểm tra;

+ Nếu sau một thời gian thấy trên bề mặt thạch có các nốt, hoặc đốm đen là môi trường chưa đạt.

2.6. Cấy chuyền giống nấm cấp I

a. Chuẩn bị tủ cấy và dụng cụ cấy

Tủ cấy giống
Tủ cấy giống



- Dùng bông thấm cồn lau sạch bên trong và bên ngoài tủ.

– Đặt tất cả dụng cụ và đồ dùng cấy giống vào trong khoang tủ (tất cả đã được khử trùng ở nhiệt độ 160C -1700C, thời gian 1,5-2 giờ).

– Bật đèn tử ngoại, quạt thông gió tủ cấy. Sau khi bật khoảng 15 – 30 phút thì tắt đèn tử ngoại, quạt thông gió vẫn hoạt động để đẩy hết khí ozôn ra khỏi tủ.

Các bạn có thể xem thêm bài viết: Chuẩn bị nhà xưởng, dụng cụ, hóa chất để nhân giống nấm

b. Cấy chuyền giống từ ống giống gốc sang môi trường cấp I

– Bước1: Mang áo blouse, đeo khẩu trang, ngồi vào vị trí và dùng bông thấm cồn lau cả hai tay (lau từ khuỷu tay đến các ngón tay, kẽ tay).

– Bước 2: Dùng bông thấm cồn lau xung quanh các ống giống và ống chứa môi trường cấp I trước khi đưa vào tủ cấy

– Bước 3. Đốt đèn cồn để cháy tự do trong tủ, thời gian 2 – 3 phút, ngọn lửa đèn cồn không nên để quá lớn hoặc quá nhỏ, nên cao từ 3 – 4 cm.

– Bước 4. Khử trùng các dụng cụ cấy bằng cách đốt trực tiếp trên ngọn lửa đèn cồn cho đến khi đỏ

– Bước 5: Mở nút bông và giữ nút bông của ống giống gốc và ống môi trường bằng kẽ tay út và áp út.

– Bước 6: Khử trùng miệng ống giống và ống môi trường trên ngọn lửa đèn cồn.

– Bước 7: Dùng que cấy lấy một mẫu giống có kích thước 5 x 5mm từ ống giống gốc.

– Bước 8: Chuyển mẫu giống gốc vào chính giữa bề mặt thạch ống (hoặc chai) môi trường. Thao tác phải thực hiện trên hoặc quanh ngọn lửa và ngang tầm lửa, trong khu vực bán kính 10cm tính từ ngọn lửa đèn cồn.

– Bước 9: Khử trùng lại miệng ống giống gốc và ống môi trường đã có giống (gọi là ống giống cấp I).

– Bước 10: Đậy nút bông ống giống gốc và ống giống cấp I lại như ban đầu.

– Bước 11: Khử trùng lại đầu que cấy và tiếp tục thực hiện cấy giống gốc sang các ống môi trường tiếp theo như đã thực hiện cho đến khi hoàn thành

– Bước 12: Dùng giấy báo bọc đầu nút bông của các ống giống cấp I lại.

– Bước 13: Ghi lại ngày giờ cấy giống và xếp các ống giống lên giàn kệ sạch để nuôi sợi.

* Chú ý:

– Nếu trong quá trình cấy phát hiện ống giống gốc bị nhiễm cần phải nhanh chóng đậy nút bông lại và chuyển ra khỏi khu vực cấy giống và tiến hành công việc khử trùng lại tủ cấy, dụng cụ cấy giống như ban đầu.

– Khi thực hiện cấy chuyền cần phải cẩn thận với cồn và đèn cồn, an toàn trong suốt quá trình thao tác.

c. Vệ sinh phòng cấy, thiết bị, dụng cụ sau khi cấy giống

– Vệ sinh dụng cụ: sau khi sử dụng xong chuyển ra ngoài vệ sinh bằng các chất tẩy rửa, sau đó rửa lại bằng nước sạch, sấy khô, bao gói và đem đi khử trùng, để chuẩn bị cho lần sau.

– Vệ sinh tủ cấy: dùng bông thấm cồn vệ sinh cả bên trong và bên ngoài tủ, sau đó dùng màn phủ kín tủ lại hạn chế bụi bẩn bay vào.

– Vệ sinh phòng cấy:

+ Dọn quét sạch sẽ các rác thải ra trong quá trình cấy;

+ Lau phòng cấy bằng nước sạch hoặc có thể dùng formol để khử trùng.

2.7. Nuôi sợi giống nấm cấp I

2.7.1. Điều chỉnh điều kiện môi trường phòng nuôi sợi

Phòng nuôi phải đảm bảo yêu cầu sau đây:

– Phòng sạch sẽ không có bụi bẩn, rác thải, không bị ẩm mốc;

– Phòng càng ít ánh sáng càng tốt, khô thoáng, có đầy đủ hệ thống điện;

– Có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ khi cần.

Tùy thuộc vào mỗi loại giống nấm, nhiệt độ và thời gian nuôi sợi giống cấp cấp I sẽ khác nhau:

Giống nấm Nhiệt độ nuôi sợi (0C) Thời gian sợi ăn kín ống nghiệm (ngày)
Giống nấm sò 25 ± 2 10 ± 1
Giống nấm rơm 29 ± 2 7 ± 1
Giống mộc nhĩ 27 ± 2 11 ± 1
Giống linh chi 26 ± 2 10 ± 1
Giống nấm mỡ 22 ± 2 32 ± 2
Giống nấm hương 24 ± 2 13 ± 1
Giống trà tân 25 ± 2 13 ± 1

– Giống cấp I sau thời gian nuôi sợi theo bảng trên phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Sợi nấm ăn kín bề mặt môi trường một màu đồng nhất của sợi nấm.

+ Sợi nấm khỏe, phân nhánh mạnh trên bề mặt môi trường.

+ Không nhiễm vi sinh vật.

2.7.2. Phát hiện, phòng ngừa và xử lý giống cấp I bị nhiễm bệnh

Một số biểu hiện nhiễm bệnh thường gặp ở giống cấp I:

a. Giống bị nhiễm vi sinh vật

– Biểu hiện:

+ Nhiễm khuẩn: trên môi trường thạch có những vết trắng đục.

+ Các ống giống bị nhiễm mốc: mốc đen, mốc trắng, mốc xanh.

– Nguyên nhân:

+ Hấp khử trùng môi trường chưa đạt nhiệt độ và thời gian;

+ Ông giống gốc bị nhiễm;

+ Do thao tác cấy không đúng (khi cấy các ống nghiệm để gần ngọn lửa đèn cồn sẽ làm cho giống chết, thạch bị chảy ra và rất dễ nhiễm khuẩn;

+ Do tủ cấy không đảm bảo vô trùng hoặc phòng cấy không thường xuyên khử trùng;

+ Lây nhiễm từ ngoài vào trong quá trình nuôi sợi. Việc lây nhiễm này chủ yếu là do phòng nuôi sợi, ống nghiệm, nút bông bị ẩm và bị nhiễm bẩn;

– Cách xử lý: các ống giống bị nhiễm vi sinh vật chuyển ra khỏi khu vực nuôi sợi đưa vào nồi hấp khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh trước khi đưa đi vệ sinh để tránh lan sang những đợt tiếp theo.

– Cách phòng ngừa: để giống không bị nhiễm cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình.

b. Sợi nấm bị thoái hoá

– Biểu hiện:

+ Sợi nấm co lại không phát triển, hệ sợi nấm dày, màu sợi nấm mờ;

+ Tơ tiết nước có màu từ trắng chuyển sang vàng trong;

+ Sợi nấm đổi màu: bình thường sợi nấm từ màu trắng chuyển sang màu tối, xám tro, màu nâu;

+ Thời gian ăn kín ống nghiệm quá lâu.

– Nguyên nhân:

+ Do giống gốc đã bị thoái hóa: quá trình phân lập hoặc quá trình bảo quản, vận chuyển đã làm giảm chất lượng giống;

+ Điều kiện nuôi sợi giống nấm không đảm bảo: nhiệt độ quá cao, phòng nuôi thiếu độ thông thoáng.

– Cách xử lý: Các ống giống bị thoái hóa cần loại bỏ đưa đi vệ sinh ngay để tránh phát sinh mầm bệnh.

– Cách phòng ngừa:

+ Trước khi cấy chuyền cần kiểm tra kỹ nguồn phân lập giống gốc ban đầu;

+ Quá trình vận chuyển giống gốc phải đảm bảo an toàn, tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, ánh sáng mặt trời trong thời gian dài;

+ Thời gian bảo quản giống gốc không quá thời gian quy định cho phép;

+ Quá trình nuôi sợi cần phải đảm bảo điều kiện thích hợp về nhiệt độ nuôi, độ thông thoáng.

2.8. Bảo quản giống nấm cấp I

Các ống giống cấp I đạt tiêu chuẩn về chất lượng nếu chưa dùng ngay cần đưa đi bảo quản:

– Bảo quản giống nấm cấp I là chúng ta sử dụng nhiệt độ thấp nhằm kìm hãm tốc độ sinh trưởng, phát triển hệ sợi nấm nhằm kéo dài thời gian sử dụng giống nấm

– Thiết bị bảo quản: tủ lạnh hoặc tủ mát.

– Các ống giống được gói bởi giấy báo đã khử trùng sau đó chuyển vào tủ lạnh hoặc tủ mát để bảo quản.

Chế độ nhiệt và thời gian bảo quản áp dụng cho các loại giống nấm cấp I được thực hiện theo bảng sau:

Giống nâm Nhiệt độ bảo quản < 0C) Thời gian bảo quản
Giống nấm sò 4 – 10 < 3 tháng
Giống nấm rơm >15 < 1 tháng
Giống mộc nhĩ >15 < 1,5 tháng
Giống linh chi 9 – 12 < 2 tháng
Giống nấm mỡ 4 – 8 < 4 – 5 tháng
Giống nấm hương 4 – 10 < 3 tháng
Giống trà tân 4 – 10 < 3 tháng

Các bạn có thể tham khảo thêm ở video sau:

Chúc các bạn nhân giống nấm thành công! Nếu có thắc mắc, các bạn có thể để lại bình luận bên dưới, mình sẽ cố gắng phản hồi sớm nhất có thể!

Tác giả: Phạm Ngọc Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi