Trồng và chăm sóc cây giảo cổ lam

Chủ nhật - 19/12/2021 02:27
Giảo cổ lam là một loại dược liệu quý và có giá trị kinh tế cao. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở thì thành phần hóa học chính của giảo cổ lam là flavonoit và saponin. Số sapoin của giảo cổ lam nhiều gấp 3 – 4 lần so với nhân sâm. Trong đó, một số có cấu trúc hoá học giống như cấu trúc có trong nhân sâm (ginsenozit). Ngoài ra giảo cổ lam còn chứa các vitamin và các chất khoáng như selen, kẽm, sắt, mangan, phốtpho…

Để giao cổ lam sinh trưởng và phát triển tốt, hôm nay Diễn đàn kiến thức nhà nông sẽ giới thiệu đến các bạn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây giảo cổ lam.

1. Chọn vùng trồng

Để giảo cổ lam sinh trưởng và phát triển tốt, nên trồng ở những vùng núi cao (từ 700 đến 3.000m so với mặt nước biển) có điều kiện khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 15-250C, độ ẩm không khí đạt từ 70-95%, đất giữ được ẩm và thoát nước tốt.
 

Trồng và chăm sóc cây giảo-cổ-lam
Trồng và chăm sóc cây giảo cổ lam

2. Kỹ thuật nhân giống

Giảo cổ lam được trồng bằng cành, cây giống được giâm trong vườn ươm, khoảng 30 ngày thì có thể đưa vào trồng.

Sau đây là kỹ thuật giâm cành:

– Chọn cành giâm: Cành giâm cần lựa chọn những cành bánh tẻ, to khỏe, không sâu bệnh. Mỗi cành mang đi giâm phải có khoảng từ 3-4 mắt, khoảng cách từ vết cắt đến mắt giâm 5cm.

– Làm đất để giâm cành: Đất được làm tơi xốp, sạch cỏ dại, lên luống cao khoảng 20cm, rộng 1,5m, dài theo chiều dài lô đất, các luống cách nhau 30cm để tiện chăm sóc cây con.

– Kỹ thuật giâm cành: Rạch rãnh sâu khoảng 20cm, đặt cành giâm nghiêng theo chiều dài của luống và cách nhau 2-3cm, phủ đất lên 1-2 mắt, phần trên mặt đất để lại 2-3 mắt.

– Lượng cây giống cần để trồng 1 ha là khoảng 80.000 cây.

– Kỹ thuật chăm sóc cây con: Thường xuyên tưới để giữ ẩm cho cành giâm, kiểm tra để đảm bảo độ ẩm đất trong vườn ươm luôn được duy trì ở mức 80- 90%, thường xuyên làm sạch cỏ dại.

 – Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Sau 10-15 ngày sau khi giâm, cành giâm đã ra rễ và mầm mới. Tuy nhiên, để đạt tỷ lệ sống cao khi mang đi trồng thì nên để đến khi mầm mới trên cành giâm ra cành cấp 1 (khoảng 30 ngày sau khi giâm).

3. Thời vụ trồng:

Thời gian trồng giảo cổ lam tốt nhất từ tháng 2- 3 hằng năm, để có cây giống trồng vào tháng 2 thì nên giâm cành trong vườn ươm từ tháng 01.

4. Kỹ thuật làm đất:

– Đất trồng giảo cổ lam phải sạch, không bị ô nhiễm, không gần nơi đổ rác thải của khu dân cư, khu công nghiệp,… đất trồng không chứa các chất tồn dư độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng.

– Tiến hành cày bừa kỹ, làm đất tơi xốp, sạch cỏ dại, lên luống cao khoảng 20cm, rộng 60- 70cm, chiều dài tùy theo chiều dài của lô đất.

5. Mật độ, khoảng cách trồng:

Mật độ trồng giảo cổ lam phù hợp nhất là 8 cây/1 m2 với khoảng cách cây cách cây là 30cm x 40cm. 1 ha là khoảng 80.000 cây.

6. Kỹ thuật trồng:

Chọn những cành giảo cổ lam có mầm to khỏe trong vườn ươm đưa ra ruộng sản xuất. Sau mỗi vụ thu hoạch, giảo cổ lam tự mọc ra mầm mới. Để sau thu hoạch cây vẫn sinh trưởng phát triển bình thường thì khi thu hoạch nên thu hoạch nông tay, để lại lớp lá vàng dưới cùng.

7. Phân bón và kỹ thuật bón phân

– Lượng phân bón cho một ha/năm: 10 tấn phân chuồng hoai mục, 400kg Ure, 500kg Supe lân, 200kg Kaly (cho 1 vụ/1ha).

– Phương pháp bón phân: Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng và phân Lân; Bón thúc lượng Đạm và Kali còn lại chia đều làm 6 lần bón trong năm:

+ Lần 1: Bón sau khi trồng 20 ngày

+ Lần 2: Bón sau trồng 40 ngày

+ Lần 3: Bón sau trồng 60 ngày

+ Lần 4: Bón sau trồng 80 ngày (sau thu lần 1)

+ Lần 5: Bón sau trồng 140 ngày (sau thu lần 2)

+ Lần 6: Bón sau trồng 200 ngày (sau thu lần 3)

Chú ý: Lần bón cần tính toán để đảm bảo có đủ thời gian cách ly, tránh nguy cơ tồn dư đạm trong dược liệu. Các năm tiếp theo bón 4 – 5 lần: Lần 1 bón đầu vụ Xuân, các lần tiếp theo bón sau các đợt thu hoạch.

8. Kỹ thuật chăm sóc

– Thường xuyên làm sạch cỏ dại, kết hợp với các lần bón phân.

– Tưới nước: Giảo cổ lam là cây ưa ẩm, do vậy cần phải chú ý đến việc tưới nước giữ ẩm đất cho cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi; Giảo cổ lam không chịu được úng, vì vậy cần tháo nước ngay cho cây sau những đợt mưa to kéo dài.

9. Phòng trừ sâu bệnh hại

Sâu ban miêu xuất hiện gây hại từ tháng 6 đến giữa tháng 7, có thể sử dụng một số thuốc trừ sâu có độc tính thấp như dịch chiết từ lá khổ sâm Metrine (Sokupi 0,36 AS; Wotac 5 EC) lưu ý phun trừ khi sâu mới nở.

10. Thu hoạch

Trung bình 1 năm có thể thu 4 – 5 lứa, cây trồng 1 lần có thể cho thu hoạch 3- 4 năm, sau khi bón phân đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 3 tuần mới thu hoạch. Nên thu cây vào những ngày nắng to, để đảm bảo dược liệu có màu sắc đẹp và đem đi tiêu thụ.

Chúc các bạn thành công! Nếu có thắc mắc, các bạn có thể để lại bình luận bên dưới, mình sẽ cố gắng phản hồi sớm nhất có thể!

Tác giả: Phạm Ngọc Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi