Tuy nhiên, người dân đã thu hoạch quá sớm và thu hết cả những cây con, vì vậy nguồn Sâm dây tự nhiên trong rừng ngày càng ít. Mà chủ yếu là Sâm dây gieo trồng, vào mùa thu hoạch sâm dây được bày bán ở các chợ, hè phố hay các điểm du lịch, song nhiều người còn không biết là củ gì và sử dụng như thế nào. Về mặt y học thì việc bày bán sâm dây như vậy không đảm bảo chất lượng và giá trị của loại dược liệu quý cũng như kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài ra để có sản phẩm Sâm dây chất lượng tốt thì yêu cầu kỹ thuật gieo trồng phải đáp ứng phù hợp với đặc điểm sinh lý, sinh hóa của cây. Sau đây, chúng tôi thông tin một số kỹ thuật để bạn đọc hiểu thêm về cây Sâm dây:
Sâm dây là cây thân thảo, thân leo sống nhiều năm, dài 2-3 m, phân nhánh nhiều. Rễ củ hình trụ dài, phân nhánh, nạc, màu vàng nhạt. Lá đơn, mọc đối, hình trứng hoặc hình tim, cỡ 2-5 x 2-4,5 cm, mỏng, mềm, màu xanh nhạt, mặt dưới có lông nhung trắng, mép nguyên hoặc có răng cưa; cuống lá dài 3-7cm. Hoa mọc đơn ở kẽ lá, màu trắng hoặc hơi vàng, bầu 5 ô, quả mọng, 5 cạnh, khi chín màu tím. Hạt nhiều, tròn, nhỏ, màu vàng nâu.
Sâm dây là cây dược liệu có giá trị kinh tế, là cây thuốc quý, có tác dụng bổ ngũ tạng, tăng sức dẻo dai, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể; có tác dụng ích huyết, chống mệt mỏi, giảm stress… Bộ phận dùng làm thuốc duy nhất của Sâm dây là rễ. Rễ cây Sâm dây chứa saponins, triterpenes và steroid. Các hoạt chất có trong Sâm dây giúp cho các hoạt động trao đổi chất của cơ thể tốt hơn.
Cho đến nay, những công trình nghiên cứu trên thế giới chủ yếu tập trung vào nghiên cứu về đặc điểm sinh học, thành phần hóa học, tác dụng dược lý, lâm sàng cây Sâm dây. Việc nghiên cứu về nhân giống chưa nhiều. Một số kết quả nghiên cứu đã chỉ ra cây Đảng sâm có thể nhân giống thông qua con đường nuôi cấy mô tế bào thực vật và gieo trồng từ nguồn hạt tự nhiên.
Ở Việt Nam, Sâm dây mọc rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang; Các tỉnh phía Nam chỉ thấy tập trung ở cao nguyên Langbiang tỉnh Lâm Đồng và xung quanh chân núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum và Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sâm dây được nhân giống tự nhiên từ hạt là chính. Khả năng tái sinh từ rễ củ còn sót lại khi thu hoạch hạn chế. Cây ưa ẩm, ưa sáng, nhưng chịu được bóng râm, cây thường mọc ở những nơi đất tốt, nhiều mùn, trong các chỗ trống và ven các rừng thứ sinh và nương rẫy. Kỹ thuật trồng nhân giống Sâm dây:
Chọn vườn ươm tốt nhất nên gần nguồn nước sạch, thuận tiện giao thông, địa hình tương đối bằng phẳng, thoát nước tốt, không bị ngập úng. Vườn ươm cần có mái che mưa, lưới đen hoặc có thể dùng rơm rạ tủ lên luống để che bớt một phần ánh sáng, tạo độ ẩm cho đất.
Đất vườn ươm được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, lên luống rộng 100-120cm, cao 15-20cm, rãnh giữa các luống rộng 30-35cm.
Giá thể gieo ươm đỏi hỏi phải tơi xốp, thoát nước tốt. Nên chọn giá thể gồm các loại hỗn hợp với tỷ lệ phối trộn như sau: Đất thịt nhẹ, phân chuồng hoai mục, xơ dừa hay trấu hun trộn đều theo tỷ lệ 2:1:1. Giá thể sau khi đã được phối trộn, sàng qua lưới, phủ đều lên khắp mặt luống dày 5cm.
Chọn quả giống ở những cây mẹ khỏe mạnh đã được 3 năm tuổi trở lên. Hái những quả chín, có vỏ màu tím sẫm, hạt sẽ có khả năng nảy mầm tốt nhất. Thời gian quả bắt đầu chín khoảng tháng 11-12 hàng năm (tùy từng vùng mà có thể sớm hoặc muộn hơn). Quả sau khi thu hái đem về phơi khô, tách lấy hạt, tiếp tục phơi hạt trong râm mát 2-3 ngày.
Hạt được bảo quản tốt có thể đem gieo và nảy mầm trong thời gian 1 năm, tuy nhiên gieo hạt ngay sẽ cho tỷ lệ nảy mầm cao.
Ngâm hạt trong nước ấm 2 sôi 3 lạnh, ngâm 6-8 giờ. Trong thời gian đó giữ cho nhiệt độ nước như ban đầu bằng cách pha thêm nước nóng. Vớt hạt ra rửa sạch bằng nước ấm, để ráo nước, cho vào túi vải sạch, ấm tới khi hạt nứt nanh đem gieo. Trong thời gian ủ, mỗi ngày dùng nước ấm rửa hạt một lần để ráo nước, cho vào túi sạch ủ tiếp.
- Nếu gieo hạt trên luống để tạo củ, sau đó lấy củ đem trồng thì tiến hành gieo ngay sau khi thu hạt. Nếu gieo hạt để sản xuất cây con thì thời gian gieo thích hợp nhất là vào tháng 2 – 3, lúc đó sẽ phù hợp với thời vụ trồng vào mùa mưa tháng 5 – 6 hàng năm.
- Chuẩn bị giá thể dày 5cm, gieo hạt sau đó lấp đất mỏng 0,3-0,5 cm. Vì hạt Sâm dây rất nhỏ nên 1 luống có diện tích khoảng 4m2 thì gieo khoảng 50-60g hạt.
- Tưới nước đủ ẩm và phủ mặt đất bằng vật liệu che tủ để che nắng mưa và giữ ẩm.
Hạt Sâm dây có kích thước nhỏ, vì vậy nên gieo hạt vào khay hay gieo lên luống để tạo cây mạ trước khi cấy vào bầu hoặc vĩ xốp.
- Chọn thời vụ thích hợp và lúc có thời tiết ẩm mát để cấy. Không cấy cây vào lúc quá nắng nóng, mưa to gió lớn hoặc khô rét.
- Tiêu chuẩn cây mạ đem cấy phải đồng đều, khỏe mạnh, thường là cây mạ được gieo sau 20-30 ngày, cao 3-4 cm, có 2-3 cặp lá, đủ rễ, chồi ngọn.
- Tưới nước đủ ẩm cho cây gieo trước khi bứng cây để tránh đứt rễ. Bứng đến đâu cấy xong đến đấy.
- Độ sâu cấy: Cấy ngang đến cổ rễ, không ngập thân cây hoặc để hở cổ rễ.
- Sau khi cấy xong, tưới nước đủ ẩm cho chặt gốc và che tủ chống nắng, mưa gió cho cây cấy cho đến khi cây hoàn toàn hồi phục.
Khi cây đạt tiêu chuẩn thì ta có thể cấy trên các vỉ xốp 84 lỗ hoặc cấy vào bầu 5x10cm hoặc luống ươm tạo củ với thành phần giá thể như trên. Đối với luống ươm tạo củ mật độ cấy cây cách cây 8-10 cm
Thời gian: Thời gian chăm sóc cây gieo kể từ khi gieo hạt xong cho tới khi kết thúc giai đoạn cây mạ được 2-3 cặp lá thật, khoảng 20-30 ngày.
Kỹ thuật chăm sóc cây gieo:
- Che tủ: Sau khi gieo xong dùng vật liệu che tủ rải đều lên mặt luống để giữ ẩm, chống đóng váng và hạt giống không bị nổi lên.
Phải thường xuyên kiểm tra khi hạt đã nảy mầm, dỡ dần vật che tủ để có đủ ánh sáng cho cây mọc.
Sau khi gieo hạt chú ý kiến, chim, chuột phá hoại. Tưới phun sương đủ ẩm cho hạt nảy mầm, lượng nước tưới 2-3 lít/m2. Số lần tưới tùy khí hậu thời tiết có thể tưới 1-2 lần/ngày.
- Làm cỏ phá váng: Nhổ cỏ xới nhẹ đất kết hợp phá váng sau khi hạt mọc 1-2 tuần kết hợp tỉa bỏ những cây mạ mọc yếu.
- Tỉa dặm cây: Đối với cây gieo thẳng không qua giai đoạn cấy để tạo cây con phải tỉa thưa nơi quá dày kết hợp loại bỏ những cây mọc kém, sâu bệnh. Đối với cây gieo trực tiếp vào bầu hoặc vĩ xốp cũng chọn để lại 1 bầu 1 cây khỏe mạnh.
Từ sau khi cấy cây đến khi xuất vườn nhằm nuôi dưỡng cây con đạt tiêu chuẩn đem trồng, thông thường khoảng 2 tháng.
Thời gian chăm sóc cây cấy tạo củ giống để trồng kể từ khi cấy đến khi củ giống đạt tiêu chuẩn có đường kính 0,5 cm khoảng 6 tháng.
Che nắng: Sau khi cấy xong dùng vật liệu che tủ cho cây. Giai đoạn đầu che chắn khoảng 70% ánh sáng cho tới khi cây hồi phục. Sau đó giảm xuống dần và không che trước khi đem trồng 1-2 tuần.
Tưới nước: Tháng đầu sau khi cấy, tưới 1 ngày 1 lần; từ tháng thứ hai sau khi cấy đến khi xuất vườn tưới 1-2 ngày/lần. Sau đó tùy thời tiết mà điều tiết tưới phù hợp. Dùng nước sạch, không bị nhiễm phèn; không tưới khi trời còn nắng to; lượng nước tưới vừa phải.
Làm cỏ, xới đất: Dùng tay nhổ cỏ non, xới đất kết hợp nhổ bỏ những cây bị sâu, bệnh hại.
Bón phân: Bón phân NPK 20-20-15, hoặc phun phân bón lá định kỳ 7 ngày phun 1 lần với liều lượng 0,5g/lít nước. Ngừng tưới phân ít nhất 15 ngày trước khi xuất vườn.
Phòng trừ sâu bệnh hại cây con
- Chọn vườn ươm nơi thông thoảng, thoát nước tốt và giữ vệ sinh tốt.
- Tưới nước sạch, vừa đủ, chia nhiều lần, không tưới quá nhiều ẩm ướt.
- Phơi ải và xử lý khử trùng giá thể trước khi gieo ươm.
- Loại bỏ và xử lý những cây đã bị bệnh ra khỏi vườn ươm.
- Phun thuốc phòng trừ bằng Ridomil Gold nồng độ 1g/lít nước; phun định kỳ 1 tuần 1 lần trong 3-4 tuần kể từ khi bắt đầu gieo cấy.
Đảm bảo tuổi cây, đảm bảo kích cỡ, sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, không sâu bệnh, không bị xây sát, long rễ, vỡ bầu.
Tiêu chuẩn cây con: Tưổi cây: 2-3 tháng, chiều cao: 12-15cm.
Trước khi xuất vườn để trồng 2 ngày không tưới nước. Khi lấy cây ra khỏi vĩ ươm cần nhẹ nhàng và xếp vào thùng hay khay theo lớp, tránh làm cây bị gãy dập, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây sau này. Nên chọn lúc trời râm mát để vận chuyển cây con trồng.
Xem thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc Sâm dây tại bàn viết: Trồng và chăm sóc sâm dây (đảng sâm)Tác giả: Phạm Ngọc Tú
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn