Kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca

Thứ tư - 16/08/2023 04:24
Mắc ca là giống cây khá mới, nó có giá trị bảo vệ môi trường và cho nhân hạt với giá cao nhất trên thị trường nhưng chỉ có một số ít nước trồng. Vì vậy, việc mở rộng diện tích trồng cây mắc ca hiện nay tại Việt Nam là việc làm đúng hướng. Hôm nay, Diễn đàn kiến thức nhà nông xin chia sẻ Kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca

I. XÁC ĐỊNH VÙNG THÍCH HỢP ĐỂ TRỒNG  MẮC CA

Điều kiện sinh thái phù hợp cây  mắc ca
YẾU TỐ BIÊN ĐỘ THÍCH HỢP
 1. Khí hậu  Khí hậu Á nhiệt đới
 - Nhiệt độ tối ưu  15 –  300C
 - Nhiệt độ ban đêm thời kỳ ra hoa  Từ 14 – 210C (tốt nhất từ 15 - 180C) kéo dài từ 7-10 ngày để phân hóa mầm hoa giúp cây ra nhiều hoa. 
 - Lượng mưa  1.500 - 2.500 mm và phân bố đều trong năm 
2. Độ ẩm không khí (thời kỳ ra hoa, đậu quả)  Thời kỳ ra hoa, đậu quả độ ẩm không khí thấp và không có mưa phùn kéo dài. 
3. Độ cao tuyệt đối  < 1.200m 
4. Thổ nhưỡng   
 - Loại đất  Trồng trên nhiều loại đất khác nhau 
 - Kết cấu đất  Đất tơi, xốp, thoát nước tốt 
 - Độ dày tầng đất  > 0,7m
- Độ pH  5.5 – 6.0 
Kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc-ca
Cây mắc ca


II. ĐẶC ĐIỂM SINH TRƯỞNG

- Nhiệt độ: Cây Mắc ca có nguồn gốc từ vùng á nhiệt đới nên thích hợp với khí hậu mát, khô và ẩm xen kẽ (nhiệt độ trung bình năm từ 15-300C). Riêng giai đọan ra hoa, cây Mắc ca yêu cầu nhiệt độ ban đêm từ 15-180C kéo dài từ 7-10 ngày để phân hóa mầm hoa giúp cây ra nhiều hoa.
- Lượng mưa thích hợp khoảng 1500 – 2500mm. 
- Đất: Có tầng đất dày >0,7m , tơi xốp, thoát nước tốt, đất không bị chặt, pH thích hợp là 5-6. 
- Địa hình: Nên trồng cây ở vùng đất dốc dưới 450 trở xuống. 
- Gió: Nên chọn địa điểm trồng có ít gió bão. Cần thiết phải trồng xen với cây chắn gió có thân - cao hoặc trồng 1 đến 3 hàng cây chắn gió xung quanh khu vực trồng cây Mắc ca. 
- Cây Mắc ca là cây ưa sáng, vì vậy không được trồng dưới tán cây khác.

III. KỸ THUẬT TRỒNG CÂY  MẮC CA

1. Mật độ trồng cây

  • Đối với trồng thuần: Tùy theo độ dốc và độ màu mỡ của đất theo nguyên tắc: Đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dầy; Đất bằng trồng thưa, đất dốc trồng dầy; Mật độ thích hợp từ 250 cây/ha (cây cách cây 5m, hàng cách hàng 8m) đến 330 cây/ha (cây cách cây 5m, hàng cách hàng 6m).
  • Đối với trồng xen cà phê: Cây Mắc ca có thể trồng xen vào vườn cà phê, mật độ trồng xen khoảng 100 cây/ha (cự ly 10x10m).
  • Trồng xen với cây chè: Cây Mắc ca có thể trồng xen vào vườn chè, mật độ trồng xen khoảng 150 cây/ha (cự ly 8x8m)

2. Tiêu chuẩn giống cây ghép

  • Tất cả các cây đem trồng đều phải là cây đã ghép, tuyệt đối không trồng cây thực sinh.
  • Chỗ ghép cần phải khỏe và lành lặn hợp quy cách.
  • Cây giống ghép phải có thời gian nuôi dưỡng trong vườn ươm trên 3 tháng (tính từ khi ghép), chiều cây từ mắt ghép đến đỉnh cây cao trên 20cm.
  • Lá cây phải rộng, bóng, xanh thẫm và không có triệu chứng bệnh.
  • Bộ rễ phải phát triển tốt, khỏe và không bị kẹt đáy bầu. Hệ rễ phải có nhiều rễ bất định mọc quanh. 
  • Các cây giống đều phải treo biển tên giống cây và tên vườn ươm, địa chỉ.
  • Có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận nguồn gốc rõ ràng (có giấy chứng nhận nguồn gốc giống của lô cây đầu dòng được cấp thẩm quyền công nhận). Vườn ươm cấp giống phải có vườn cây đầu ròng được cấp thẩm quyền thẩm tra và cấp giấy phép.
  • Hiện nay, tại Tây Nguyên đã có 02 vườn ươm giống Mắc ca đảm bảo chất lượng là: Công ty Him Lam Mắc ca (đóng tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương , tỉnh Lâm Đồng) và Công ty Vinamaca đóng tại phường Tân Hòa, Tp Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lăk. Công ty Liên Việt Gia Lai tại thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh 
Gia Lai. Tại Tây Bắc là công ty CP Liên Việt Sơn La xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

3. Làm đất, bón phân

  • Phát dọn sạch thực bì: Phát dọn thực bì, đánh các gốc cây to chuyển ra khỏi lô đất.
  • San băng: Đối với đất có độ dốc trên 200, cần san băng theo đường đồng mức trước khi đào hố; Các băng cách nhau 6-8m tùy theo độ dốc, chiều rộng mặt băng từ 1,2 – 2,5 m (Tùy theo san bằng thủ công hay cơ giới).
  • Đào hố: Đào hố theo hàng, đối với đất bằng bố trí hàng theo hướng Đông – Tây để tăng hiệu suất quang hợp cho cây trồng xen, đối với đất dốc bố trí hàng theo đường đồng mức, các hố được đào so le theo hình lanh sấu.
  • Kích thước hố: Tùy theo điều kiện thổ nhưỡng, đối với nơi đất tơi xốp kích thước (dài x rộng x sâu) 0,6x0,6x0,6m, đối với đất chai cứng, lẫn đá có thể đào đến kích thước 1,0x1,0x1,0 m. Đất mặt để một bên hố, đất củ để một bên hố.
  • Bón lót: Sau khi đào hố, tiến hành rắc vôi bột với liều lượng từ 0,5-1,5 kg/hố; Phơi hố từ 7-10 ngày để khử trùng. Sau khi khử trùng, tiến hành bón lót với liều lượng từ 20-30 kg phân hữu cơ ủ hoai (ưu tiên phân bò là chủ yếu) có trộn thêm phân NPK tổng hợp với liều lượng 0,5 kg/hố hoặc 1 kg phân lân nung chảy (nếu đất nghèo lân), thuốc trừ mối… trộn đều với lớp đất mặt, sau đó phủ lớp đất củ lên trên lớp đất đã trộn phân và cắm cọc tiêu đánh dấu tim hố. Việc bón lót tiến hành trước khi trồng từ 30-45 ngày.

4. Trông cây

  • Thời vụ trồng: Đối với vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên, Bắc Trung bộ, Tây Bắc trồng vào đầu vụ mưa (tháng 6, tháng 7 hoặc tháng 8). Đối với vùng Đông Bắc trồng vào đầu mùa xuân (tháng 1, tháng 2) hoặc đầu mùa mưa (tháng 6, tháng 7).
  • Trước khi trồng cần trộn đất và phân trong hố một lần nữa, sau đó đào một hố nhỏ sâu 25 - 30cm, rộng 15 - 20cm ở chính giữa hố đã được lấp trước đó.
  • Dùng dao sạch cắt hẳn đáy bầu đất, kiểm tra bộ rễ, nếu rễ trụ bị cong, xoắn đuôi rễ thì phải cắt bỏ đoạn rễ cong dưới đáy bầu, rạch một đường thẳng đứng có độ dài khoảng 2/3 túi bầu từ dưới đáy bầu lên, đặt cây xuống lỗ, bóc nhẹ túi bầu, tránh làm vỡ đất trong bầu.
  • Lấp đất đến 2/3 túi bầu, rút túi bầu theo phương thẳng đứng, sau đó nén chặt xung quanh gốc cây, tiếp tục vun đất vào gốc cây, tưới nước và ủ cỏ khô giữ ẩm cho cây. Khi trồng xong cắm cọc chéo 60 độ so với mặt đất và buộc dây cố định để cây không bị gió làm long gốc.
  • Tháo bỏ dây cuốn mắt ghép để dây không thít và gây tổn thương cho cây.

5. Trồng xen các dòng trong lô

  • Thụ phấn chéo làm tăng sản lượng và chất lượng hạt, kích cỡ hạt. 
  • Khuyến nghị nên trồng ít nhất 02 giống có cùng thời gian rụng quả trong một lô.
  • Đề nghị bộ giống trồng xen:
+ 849 trồng xen với 788
+ 816 trồng xen với 246 
+ 741 trồng xen với 816 –849 
+ 842 trồng xen với 741- 344
+ 246 trồng xen với 816, Daddow
+ 344 trồng xen với 660, Daddow
+ QN1 trồng xen với 344

IV. KỸ THUẬT CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ VƯỜN  MẮC CA

1. Bón phân

1.1. Bón phân sau trồng thời kỳ kiến thiết cơ bản (từ năm thứ 1 đến năm thứ 4)

  • Phát dọn cỏ dại và xới xáo quanh gốc: Tùy theo tình hình cỏ dại, tiến hành phát dọn cỏ dại không để cỏ dại lấn át, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây Mắc ca (2-3 lần/năm: trước mùa mưa, giữa mùa mưa và sau mùa mưa). Không được dùng các loại thuốc trừ cỏ để diệt cỏ dại. Tiến hành xới xáo quanh gốc cây với bán kính từ 0,5-1,0m tùy theo tuổi cây; 1 năm tiến hành xới xáo 2-3 lần làm đồng thời với việc phát dọn cỏ dại.
  • Bón thúc: Kết hợp với việc xới xáo, tiến hành bón thúc từ 2-3 lần/năm. Loại phân và liều lượng theo bảng sau:
Đơn vị tính: kg/cây/năm
Loại phân/Năm trồng Năm thứ 1 Năm thứ 2 Năm thứ 3 Năm thứ 4
Phân hữu cơ   20 30 40
NPK (tổng hợp) 0,6 0,9 0,9 1,2
Vôi bột 1,0 1,0 1,0 1,5
Cách bón: Đào rãnh xung quanh gốc cây ở vị trí hình chiếu của mép tán cây, chiều rộng của rãnh khoảng 20 - 30 cm, chiều sâu của rãnh khoảng 20 – 30 cm, cho phân xuống rãnh, lấp đất kín phân.

1.2. Bón phân thời kỳ thu hoạch (từ năm thứ 5 trở đi)

  • Phát dọn cỏ dại và xới xáo xung quanh gốc cây: Tùy theo tình hình cỏ dại, tiến hành phát dọn, vệ sinh vườn cây để hạn chế côn trùng, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch Mắc ca. Không được dùng các loại thuốc trừ cỏ để diệt cỏ dại. Tiến hành xới xáo quanh gốc cây với bán kính từ 1,0-2,0m tùy theo tuổi cây; 1 năm tiến hành xới xáo 2-3 lần làm đồng thời với việc phát dọn cỏ dại.
  • Tùy theo tuổi và năng suất của cây trồng hàng năm để tiến hành bón phân. Một năm bón ít nhất 2 lần, lần 1 vào tháng 4 hàng năm để chống rụng quả non và dưỡng quả, lần 2 sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành, vệ sinh vườn cây (vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 hàng năm) để phục hồi cây sau khi thu hoạch và thúc ra lộc thu.
  • Loại phân và liều lượng theo bảng sau:
Đơn vị tính: kg/cây/năm
Loại phân/Năm trồng Năm thứ 5 đến 9 Năm thứ 10 trở đi
Phân hữu cơ 50-70 80
NPK (tổng hợp) 1,5-2,7 3,0
Vôi bột 1,5-2,0 2,0

Cách bón: Đào rãnh xung quanh gốc cây ở vị trí hình chiếu của mép tán cây, chiều rộng của rãnh khoảng 20 - 30 cm, chiều sâu của rãnh khoảng 20 – 30 cm, cho phân xuống rãnh, lấp đất kín phân.

2. Tưới nước cho cây

  • Đối với cây mới trồng sau 7 ngày không có mưa cần phải tiến hành tưới cho cây, cứ 7-10 ngày tưới một lần, nếu có mưa với mật độ từ 5-7 ngày có một trận mưa thì không cần phải tưới.
  • Đối với cây trồng từ 1 tuổi trở lên: Cần tiến hành tưới vào mùa khô ở những nơi có mùa khô kéo dài, lượng mưa ít.
  • Thời kỳ ra hoa (Từ tháng 1 đến tháng 2 hàng năm): Tưới từ 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 7-10 ngày, chỉ tưới vào gốc, không được tưới phun lên tán cây, tránh ảnh hưởng đến hoa và việc thụ phấn của hoa.
  •  Thời kỳ dưỡng quả (Từ tháng 3 đến tháng 4): Tưới từ 2 đến 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 7-10 ngày, tưới vào gốc và có thể phun lên tán cây làm mát để hạn chế rụng quả.
  •  Đối với những nơi có điều kiện thì có thể đầu tư hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và tăng hiệu quả tưới.

3. Tỉa cành, tạo tán

Tìa cảnh, cạo tán cho cây mắc-ca
Tìa cảnh, cạo tán cho cây mắc ca
 
  • Lần 1: Sau khi trồng, cây có độ cao từ 0,7- 1m cần bấm ngọn để tạo tán. 
  • Lần 2: Khi các chồi lần 1 cao khoảng 0,5- 0,7m, ở lần hai mỗi cây chỉ để lại 3 cành. 
  • Lần 3: Khi các chồi lần 2 cao khoảng 1m, mỗi cành lần 2 để lại 3 cành. Thời gian tạo tán thực hiện ở năm 1 và 2.
  • Sau lần tạo tán lần 3 để cây phát triển bình thường, khi cây vào thời kỳ kinh doanh, cắt tỉa những cành sát mặt đất dưới 60cm (ở tầng tán thứ 3 đối với những cây có tán quá dày), cắt những cành bị sâu bệnh hại, những cành lệch tán, những cành mọc chồng chéo, đan xen nhau. Nếu tán cây không quá dày, không nên cắt tỉa những cành nhỏ bên trong tán.
  • Sau khi thu hoạch tiến hành tỉa, cắt cành: các cành tược (cành mọc từ thân chính), cành tăm hương (những cành nhỏ, không có khả năng ra hoa, quả), cành hướng địa, cành xiên vào trong tán, cành sâu, cành gẫy, cành có chiều cao vượt quá 5m…

4. Quản lý cỏ dại

  • Định kỳ chăm sóc cho cây như phát dọn thực bì, xới vun gốc, trừ cỏ dại quanh gốc cây bán kính 0,5 m
  • Phủ cỏ khô, rơm khô hoặc phân vỏ hạt vào gốc cây để giảm nước bốc hơi 
  • Tránh dùng các loại hóa chất diệt cỏ 
  • Sơn hoặc bọc nùi rơm đoạn thân gốc cây để tránh sương giá 
  • Không trồng xen cây nông nghiệp trong bán kính 1m dưới đường chiếu vành tán cây

5. Hạn chế quả non rụng sớm

  • Nguyên nhân chính gây rụng hoa, rụng quả ở cây Mắc ca chủ yếu là vấn đề dinh dưỡng và điều kiện thời tiết.
+ Dinh dưỡng: Chủ yếu ở giai đoạn ra hoa đậu quả (tháng 2 - 4) và giai đoạn vào cuối tháng 6, tháng 7 khi cây bắt đầu ra nhiều lộc, quả bước vào thời kỳ tích lũy nhanh về dầu.
+ Điều kiện thời tiết: Khi môi trường nhiệt độ tăng cao tới 30 – 350C. Độ ẩm không khí cao và cây thiếu nước trong thời kỳ ra hoa đậu quả

Vì vậy, để hạn chế quả non rụng sớm cần phải bón phân tưới nước đầy đủ và kịp thời

V. SÂU BỆNH CHÍNH VÀ GIÓ LỐC HẠI  MẮC CA

  • Theo FSIV (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) và WASI (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Tây Nguyên) thì ở Việt Nam chưa thấy có sâu bệnh hại nghiêm trọng đối với các vườn ươm và vườn cây Mắc ca 
  • Những sâu hại chủ yếu là rệp, bọ trĩ, gây hại lộc non, lá non. Bệnh hại chủ yếu là bệnh thán thư, bệnh thối rễ, thối quả và các bệnh sinh lý. Khuyến khích dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học (tỏi, ớt, gừng, lá xoan, cây thanh hao, lá thuốc lào ngâm ủ cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng)
  • Thường xuyên kiểm tra vườn cây để sớm phát hiện bệnh xỉ mủ.
  • Chuột, kiến phá hoại quả trên cây và khi chín.
  • Biện pháp phòng trừ chủ yếu là sử dụng các giống chống bệnh và các biện pháp canh tác; vệ sinh sạch sẽ vườn và đánh bắt, bẫy chuột.
  • Chống đổ do gió lốc
+ Trồng sâu, bón lót dưới đáy hố để kích thích rễ ăn xuống.
+ Tỉa cành, tạo tán để cây thoáng gió.
+ Hạn chế trồng ở những nơi thường xuyên có gió lốc.
+ Đối với những cây có tán lớn, có nguy cơ gãy, đổ phải tiến hành chằng, chống trong mùa gió lốc (từ tháng 3 - 5 hàng năm).

VI. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN  MẮC CA

  • Mùa quả chín ở Tây Nguyên từ cuối tháng 7 đến tháng 9; ở phía Bắc từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 10.
  • Trước khi quả chín rụng từ 1-2 tuần, tiến hành dọn sạch xung quanh gốc cây để khi quả rụng dễ nhặt, có thể tiến hành nhặt quả hàng ngày hoặc 5-7 ngày nhặt một lần (Tùy theo điều kiện nhân lực và quy mô của vườn cây).
  • Đối với những giống ít rụng quả thì khi quả đã chuyển từ màu xanh sang màu sẫm hoặc kiểm tra vỏ hạt bên trong đã cứng và có màu nâu sẫm là tiến hành thu hái được.
  • Sau khi thu hoạch về trong vòng 24 giờ phải bóc ngay vỏ quả tươi để lấy hạt.
  • Hạt sau khi bóc đem rải đều trên giá lưới thưa, dày 10-15cm, trên có mái che ở vị trí thông thoáng, dùng quạt gió làm khô hạt; Mỗi ngày đảo ít nhất 1 lần. Sau 7 ngày hạt sẽ khô, độ ẩm giảm xuống còn 10-15%. Đối với những cơ sở sản xuất lớn: Sử dụng máy sấy, quạt gió với nhiệt độ 35-40°C trong 48 giờ, cứ sau 6 giờ phải đảo hạt một lần, độ ẩm giảm xuống 10-15%.
  • Sau khi đã làm khô hạt xuống 10-15% thì chuyển sang công đoạn chế biến hoặc đưa đi tiêu thụ. Trong trường hợp chưa chế biến hoặc tiêu thụ được ngay thì có thể bảo quản trong các dụng cụ như bao bì, xê nô…nhưng phải đảm bảo nơi khô ráo, thoáng mát, tránh sự xâm nhập của côn trùng. Thời gian bảo quản có thể từ 6-9 tháng.

Ước tính thu hoạch

Theo một số tài liệu nghiên cứu thì ước tính thu hoạch như sau:
  • Năm thứ 3: ra quả bói 
  • Năm thứ 4: 3kg hạt/cây 
  • Năm thứ 5: 5 kg hạt/cây
  • Năm thứ 6: 7 kg hạt/cây
  • Năm thứ 7: 10 kg hạt/cây
  • Năm thứ 8: 12 kg hạt/cây
  • Năm thứ 9: 14 kg hạt/cây
  • Năm thứ 10: Từ 16 - 20kg hạt/cây
  • Từ năm thứ 11 trở đi sản lượng Kg hạt/cây sẽ tiếp tục tăng chút ít nếu chăm sóc bảo vệ quản lý tốt.
  • Sản lượng quả hạt Mắc ca phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố giống và chăm sóc quản lý là quan trọng nhất.

Tác giả: Phạm Ngọc Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi