1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD, còn được gọi là bệnh da sần) là bệnh truyền nhiễm do một loại virrus thuộc họ Poxviridae chi Capripoxvirus gây ra trên trâu, bò. Virrus viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.
2. Đặc điểm dịch tễ học
Tỷ lệ mắc bệnh VDNC trên gia súc nhai lại từ 5 đến 45%. Tuy nhiên, bê còn nhỏ, bò đang cho con bú và bò già tỷ lệ nhiễm cao hơn do cơ thể có khả năng miễn dịch yếu (OIE, 2017). Virus gây bệnh VDNC có phạm vi ký chủ rộng gồm những loài động vật có xương sống. Trong đó, trâu, bò là 02 loài bị nhiễm bệnh một cách tự nhiên trong các đợt bùng phát trên đồng ruộng.
Tất cả các giống bò đều mẫn cảm với bệnh VDNC. Tuy nhiên, một số nghiên cứu phát hiện ra rằng các giống bò nhập nội sẽ bị nhiễm bệnh hơn giống nội địa, đặc biệt là các giống bò nhập nội có da mỏng lại càng có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn. Trên các giai đoạn phát triển của bò đều có khả năng nhiễm bệnh, nhưng đặc biệt giai đoạn bê con nhạy cảm hơn với bệnh và có biểu hiện triệu chứng đặc trưng trong vòng 24 đến 48 giờ (Greth và cộng sự, 1992).
Tỷ lệ mắc bệnh VDNC cao (50-60%) xuất hiện ở những nơi có quần thể muỗi nhiều và kết hợp với điều kiện thời tiết ẩm ướt; tỷ lệ mắc bệnh thấp (5-15%) thường xuất hiện trong môi trường khô và có ít côn trùng hơn (Ali và cộng sự, 2010).
Trong cơ thể vật chủ, Virus Lumpy skin được nhân bản và tương tự ở trong chính cơ thể các ruồi chuồng trại (Stomoxys), ruồi nhà (Musca), dĩn (Culicoides) (Weiss, 1968) và một số loài muỗi Anopheles stephensi, Culex quinquefascuatus, Stomoxy calcitrans và Culicoides nebeculosis loại virus cũng được nhân bản như ở vật chủ (Chihota và cộng sự, 2003).
3. Triệu chứng lâm sàng
Dấu hiệu lâm sàng đầu tiên của bệnh VDNC gồm hai giai đoạn sốt (sốt hai pha), xuất hiện sau thời gian ủ bệnh từ 4-12 ngày (thường là 7 ngày). Nhiệt độ của bò bị nhiễm bệnh tăng lên 40-41,5°C, kéo dài từ 6-72 giờ hoặc hơn nhưng hiếm khi lên đến 10 ngày. Sau đó thân nhiệt có thể giảm trong vài giờ hoặc vài ngày và lại tiếp tục tăng sau trở lại. Ngoài ra, các cá thể bị nhiễm bệnh còn có biểu hiện: chảy nước mắt, nước mũi, tăng dịch tiết hầu họng, chán ăn, chướng to bụng, suy nhược cơ thể và không thích di chuyển. Các dấu hiệu lâm sàng ban đầu của bệnh VDNC rất đa dạng về mức độ nghiêm trọng nhưng không liên quan đến giới tính hoặc tuổi của động vật (Constable và cộng sự, 2017).
Bên cạnh triệu chứng sốt cao, trên những cá thể nhiễm bệnh, có nhiều nốt u hình tròn xuất hiện trên đột ngột trong vòng 1-2 ngày. Các nốt u có thể lan rộng hoặc chỉ giới hạn ở một vài vùng: đầu, cổ, đáy chậu, cơ quan sinh dục, bầu vú và các chi. Nốt u điển hình là hình tròn, không đều, đường kính khoảng 5-50 mm, các nốt u này cứng và hơi nhô lên, ngăn cách nhau bởi một vòng xuất huyết hẹp. Các nốt u có thể biến mất, nhưng chúng có thể tồn tại dưới dạng cục cứng hoặc trở nên ướt, hoại tử và bong tróc hoặc loét, các tổn thương này có thể nhìn thấy trong thời gian dài, có thể liên kết lại, các vùng trầy da chảy máu lớn dễ bị ấu trùng ruồi xâm nhập (Constable và cộng sự, 2017). Khi các vết thương bong ra có thể tạo ra một lỗ dày toàn bộ da với đặc trưng “vùng hình nón ngược” của hoại tử, được gọi là “sit fast” (Abutarbush và cộng sự, 2013).
Các nốt u cũng phát triển, tạo tổn thương (hoại tử và loét) trên miệng và hầu họng, thanh quản, khí quản, đường tiêu hóa dẫn đến phát triển bệnh viêm dạ dày-ruột nghiêm trọng và viêm giác mạc. Trên miệng, các mọng nước tiết dịch xuất hiện, chảy nước dãi dai dẳng từ miệng, làm con vật ho và hô hấp khó khăn do có liên quan đến thanh quản và khí quản (Ayre Smith, 1960). Di chứng phổ biến của bệnh VDNC là viêm phổi, có thể gây chết.
Những tổn thương đường hô hấp, miệng, hầu họng và mắt thường kéo dài. Các con vật dù đã khỏi bệnh nhưng cơ thể sẽ suy nhược lên đến 6 tháng, phát triển tương đối chậm và phục hồi không hoàn toàn. Bệnh VDNC là một căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, mặc dù tỷ lệ vật nuôi phát triển mãn tính biến chứng có thể thấp; ít hơn 5% trong số những con vật mắc bệnh (Gezahegn và cộng sự, 2013).
4. Chẩn đoán
Bệnh VDNC có thể được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng điển hình hoặc các tổn thương da dạng nốt u tổng quát và các hạch bạch huyết to ở động vật bị bệnh kết hợp với xét nghiệm về sự hiện diện của virus hoặc kháng nguyên. Để xác định chính xác bệnh, có các kỹ thuật chẩn đoán khác nhau với các yêu cầu các loại mẫu khác nhau được thực hiện. Chẳng hạn, phương pháp tiêu chuẩn vàng để phát hiện kháng nguyên và kháng thể virus capripox là kiểm tra bằng kính hiển vi điện tử và kiểm tra huyết thanh hoặc trung hòa virus (Tuppuraine và cộng sự, 2012); phương pháp phân lập virus thông thường hoặc PCR (Tuppuraine và cộng sự, 2005). PCR là phương pháp đáng tin cậy và hiệu quả cao (Tuppuraine và cộng sự, 2012). Một nghiên cứu so sánh nhiều xét nghiệm chẩn đoán khác nhau trên gia súc bị bệnh và đã xác định PCR là một phương pháp nhanh và nhạy với DNA của virus trong các mẫu máu và da (Tuppuraine và cộng sự, 2005).
Khả năng miễn dịch của vật chủ chống lại LSDV chủ yếu là qua trung gian tế bào. Do đó, xét nghiệm huyết thanh có thể không đủ nhạy để phát hiện bệnh hoặc kháng thể nhẹ và gia súc đã được tiêm phòng lâu. Phương pháp, ELISA kháng thể đã được phát triển với một số thành công nhưng vẫn còn hạn chế (Tuppuraine và cộng sự, 2011). Xét nghiệm kháng thể huỳnh quang gián tiếp (IFAT) có thể được sử dụng để chẩn đoán và sàng lọc bệnh VDNC. Tuy nhiên, xét nghiệm này đòi hỏi thời gian lâu hơn và có thể tốn kém hơn so với kỹ thuật ELISA (Gari và cộng sự, 2008).
5. Điều trị, phòng bệnh và kiểm soát
Điều trị
Bệnh do virus gây ra do đó chưa có thuốc điều trị. Việc điều trị bệnh VDNC chỉ là điều trị triệu chứng và nhằm mục đích ngăn ngừa các biến chứng do vi khuẩn thứ phát bằng cách sử dụng liệu pháp kháng sinh (Abutarbush và cộng sự, 2013). Các thử nghiệm điều trị với mục đích ngăn ngừa biến chứng bệnh VDNC thành công khi sử dụng kết hợp với các chất kháng khuẩn, chống viêm, liệu pháp hỗ trợ và giải pháp chống nhiễm trùng (Salib và Osman, 2011). Các biến chứng gặp phải bao gồm đục giác mạch, viêm vú, kiết lỵ, què, viêm phổi và nhiễm trùng cơ và đã được điều trị phục hồi trong vòng 3 ngày đến 2 tuần.
Phòng bệnh
Phòng ngừa bệnh để tránh những thiệt hại kinh tế đáng kể bởi hỏng da, mất sữa do viêm vú, giảm cân, chết, sẩy thai, sốt và giãn đồng tử. Nghiên cứu về khía cạnh dịch tễ học và tác động tài chính của bệnh ở Ethiopia đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc tiêm phòng trong việc kiểm soát bệnh VDNC, tác giả cũng đã liệt kê rằng việc tiêm phòng có thể giúp giảm 17% chi phí tài chính điều trị do bệnh VDNC gây ra ở đàn bò thịt và 31% trên đàn bò sữa (Ali và cộng sự, 2012).
Tiêm phòng là phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh vì việc hạn chế di chuyển của côn trùng là không hiệu quả. Vaccine hiệu quả chống lại bệnh VDNC có sẵng và việc sử dụng vaccine càng sớm thì tác động tiêu cực đến kinh tế càng ít nghiêm trọng hơn (Tuppuraine và cộng sự, 2017). Các chủng của virus là capripoxvirus được biết là có khả năng bảo vệ chéo. Do đó, vaccine sống giảm độc lực tương đồng (chủng Neethling LSDV) và dị chủng (virus đậu dê) đều có thể được sử dụng để bảo vệ gia súc chống lại sự lây nhiễm bệnh VDNC (OIE, 2013). Các chủng vaccine capripoxvirus (CaPV) có bán trên thị trường bao gồm chủng LSDV Neethling đầu tiên, chủng virus đậu cừu và đậu dê Kenya (KSFPV) chủng O-240 và chủng O-180, chủng đậu cừu RM65 (SPP) của Nam Tư, SPP của Rumani, và chủng đậu xanh dê Gorgan (GTP) (Aburarbush, 2017). Gần đây, nghiên cứu về hiệu quả của ba chủng CaPV chống lại LDSV ở Ethiopia cho thấy vaccine Gorgan GTP có thể bảo vệ gia súc chống lại LSDV một cách hiệu quả và vaccine Neethling, riêng, KSGP O-180 không đủ năng lực. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng cần phải xác định thêm đặc điểm phân tử cho những vaccine không hiệu quả đó.
Kiểm soát
Hiện nay việc tiêm phòng vaccine để phòng bệnh và kiểm soát bệnh được cho là biện pháp để làm giảm thiệt hại cho đàn gia súc. Vaccine hiện nay được sử dụng ở Việt Nam chủ yếu là vaccine sống nhược độc đông khô thời gian cho miễn dịch ít nhất là 12 tháng. Do đó, chúng có thể bảo hộ đàn gia súc bằng vacccine để giảm thấp nhất thiệt hại của bệnh đối với các hộ chăn nuôi.
Ngoài ra chẩn đoán lâm sàng là điều cần thiết để thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm soát chẳng hạn như kiểm dịch, giết mổ động vật bị nhiễm bệnh và tiếp xúc, xử lý xác chết đúng cách; làm sạch và khử trùng cơ sở như kiểm soát côn trùng có thể thực hiện sớm nhất càng tốt trong quá trình ngăn chặn bệnh lây lan (Tuppurain và cộng sự, 2005).
Hơn nữa, các quy định hạn chế nhập khẩu nghiêm ngặt đối với gia súc, xác, da sống và tinh dịch từ các vùng có dịch phải được áp dụng tại các vùng an toàn./.
Tác giả: Phạm Ngọc Tú
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn