Cây địa liền còn có tên gọi khác là Tam nại, sơn nại, thiền liền hoặc sa khương tên khoa học Kaempferia galanga L thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Đây là loại cây thân thảo sống lâu năm và không có thân. Lá có hình trứng gần tròn gồm 2 – 3 cái, có bẹ và mọc xòe ra trên mặt đất, phiến lá rộng 6 – 7 cm và dài 8 – 10cm, nhẵn bóng, mép lá nguyên và mặt dưới hơi có lông. Cụm hoa mọc ở nách lá, không có cuống, có màu trắng pha tím. Thân rễ có nhiều rễ củ nhỏ, mọc nối tiếp nhau và có dạng hình trứng với nhiều vân ngang.
Địa liền vị cay, tính ấm; chữa ăn uống không tiêu, ngực bụng lạnh đau, tê phù, tê thấp, nhức đầu, đau răng do phong.
Được trồng vào mùa Đông xuân, thích hợp nhất là tháng 3.
Điều kiện sinh trưởng:
Trồng bằng củ; sau khi thu hoạch, chọn những củ nhỏ, mập để làm giống; làm sạch rễ và đất, để nơi thoáng mát, khô ráo; đến mùa vụ, khi củ đã nhú mầm, tách từng củ mang đi trồng.
Trước khi trồng 1 tháng phải cày bừa kỹ đất và làm cỏ; đánh luống cao 35cm, rộng 80cm, dài 1,2m; đào rãnh rộng 40cm để dễ thoát nước.
Đào trên mặt luống những hốc với khoảng cách 30 x 25cm; bón lót xuống hốc bằng phân chuồng để hoai trộn với tro hoặc phân lân; đặt mầm giống xuống hốc, phủ đất dày 2 – 3cm; phủ lên trên 1 lớp rơm rạ hoặc trấu để giữ ẩm.
Dọn cỏ đợt 1 khi cây trồng được khoảng 1 tháng, đã ra lá thật. Từ khi trồng đến khi thu hoạch, làm cỏ khoảng 4 – 5 lần. Sau mỗi lần làm cỏ, bón thúc phân đạm và kali.
Tỉ lệ bị sâu bệnh hại của địa liền rất thấp. Khi thấy xuất hiện sâu ăn lá hoặc sâu quấn lá, có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật phun để phòng trừ.
Tác giả: Phạm Ngọc Tú
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn