Mã đề là cây thân thảo, sống hằng năm.
Lá mọc thành hình hoa thị, hình trứng, dài 5-12 cm, rộng 3,5-8 cm, đầu tù hơn có mũi nhọn, gân lá hình cung, mép uốn lượn, nguyên hoặc có răng cưa nhỏ không đều; cuống lá dài 5-10 cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông có cán dài hơn lá, hoa nhỏ có lá bắc hình trứng, ngắn hơn đài; đài 4 thùy hơi có gờ, đính nhau ở gốc; tràng hoa mỏng; 4 thùy hình tam giác nhọn, xếp xen kẽ với các lá đài; nhị 4, chỉ nhị mảnh, bầu hình cầu có 2 ô.
Quả nang, hình chóp thuôn, dài 3,5-4 mm, mở bằng một nắp nứt ngang trên các lá đài, hạt hơi dẹt, màu nâu hoặc đen bóng.
Mã đề dùng chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang, bí tiểu trên, tiểu tiện ra máu hoặc ra sỏi, phù thũng, đau mắt sung đỏ, tiêu chảy, lỵ, chảy máu cam, ra nhiều mồ hôi.
Mỗi ngày uống 10-20g toàn cây hoặc 6-12g hạt dưới dạng thuốc sắc.
Khi dùng làm thuốc ho cho trẻ em, mã đề có nhược điểm gây đái dầm.
Dùng ngoài, mã đề tươi giã nát đắp làm mụn nhọt chóng vỡ, mau lành.
Để chữa bỏng, lấy cao đặc mã đề đắp lên vết thương băng lại, mỗi ngày thay 1 lần.
Vốn là một cây mọc hoang, mã đề có sức sống rất cao, đang được trồng khá phổ biến ở nhiều nơi. Cây có nhu cầu nước ở mức độ trung bình, có khả năng chịu hạn nhẹ nhờ bộ rễ ăn tương đối sâu rộng.
Đất trồng mã đề tốt nhất là loại đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất trồng màu. Ruộng cần được cày bừa kỹ, để ải, lên luống sao cho tiện chăm sóc, bón lót 10 – 15 tấn phân chuồng, 250 – 300kg lân, 150kg kali cho mỗi ha.
Mã đề được gieo trồng bằng hạt (1g có khoảng 600 hạt), được gieo nông 0,5cm vào tháng 2 – 3. Có thể gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm rồi đánh cây con đi trồng.
Trong sản xuất người ta thường áp dụng cách gieo trong vườn ươm, khi cây có 3 – 4 lá thật, đem trồng ra ruộng.
Cây con đánh ra trồng với khoảng cách 20 x 20cm hoặc 15 x 20cm.
Cũng có thể gieo thẳng theo rạch, cách nhau 15 – 20cm, sau tỉa bớt để định khoảng cách.
Trước khi gieo hạt cần tiến hành làm phẳng đất sau đó mới gieo hạt xuống đất. Gieo nông khoảng 0.5cm là được. Sau khi gieo hạt xong tưới để tạo độ ẩm cho đất kích thích hạt nhanh nảy mầm.
Thường xuyên làm cỏ, xới xáo, tưới đủ ẩm. Sau khi cây bén rễ, dùng nước phân chuồng, nước giải pha loãng hoặc đạm pha loãng (1 – 2%) để tưới.
Giống mã đề đang được trồng đại trà hiện nay khá mẫn cảm với bệnh phấn trắng. Bệnh hại cả lá, cuống lá và bông nhưng gốc cây và lá non ít bị ảnh hưởng.
Có thể khắc phục bằng cách thu bỏ lá già và bông rồi phun Daconil 75WP với liều 1,5 – 2,0 kg/ha. Sau khi phun cần đảm bảo thời gian cách ly theo quy định. Ngoài ra, các loài sâu đo cũng gây hại đáng kể cho mã đề.
Nếu chăm sóc tốt, sau 2 tháng trồng có thể thu hoạch lứa đầu tiên. Về sau cứ 40 – 45 ngày thu một lứa. Sau mỗi lứa cắt, cần làm cỏ, bón thúc 1 -2 lần.
Khi thu hoạch dùng liềm cắt toàn bộ hoa, lá ( chú ý không cắt búp cây) đem phơi hay sấy khô. Thu xong phải phơi hay sấy khô kịp thời, sao cho khi khô, dược liệu vẫn giữ được màu xanh. Năng suất có thể đạt 5 tấn khô/ha 1 năm.
Chữa người già đái khó, cơ thể nóng: Hạt mã đề 1 chén (có dung tích 50ml), bỏ vào túi, sắc lấy nước. Dùng nước này nấu cháo lúa kê ăn.
Chữa đái ra máu: Lá mã đề, cỏ ích mẫu vắt lấy nước cốt uống
Chữa đau mắt: Mã đề giã vắt lấy nước cốt, hòa với măng tre vòi, lọc trong nhỏ mắt.
Thuốc lợi tiểu: Hạt mã đề 10g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa ho đờm: Mã đề 10g, cam thảo 2g, cát cánh 2g, nước 400ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Nếu không có cam thảo, có thể thay bằng đường.
Dùng trong bệnh sỏi niệu để thúc đẩy sự bài xuất sỏi: Hạt mã đề 12-40g, kim tiền thảo 40g, thạch vĩ 20-40g, hoạt thạch 20-40g, hải kim sa 12-40g, đông quỳ từ 12-20g, ngưu tất 12g, chỉ xác 12g, hậu phác 12g, vương bất lưu hành 12g.
Tác giả: Phạm Ngọc Tú
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn