Bạch truật tên khoa học là Atractylodes macrocephala Koidz. Đây là loại cây thảo sống lâu năm, được dùng làm thuốc trong hệ thống y học cổ truyền của nhiều quốc gia nhất là khu vực Đông Á. Vị thuốc bạch truật là phần rễ khô của cây bạch truật.
Bạch truật (danh pháp khoa học: Atractylodes macrocephala) là loài thực vật có hoa thuộc họ Asteraceae (họ Cúc) được Koidz. mô tả khoa học lần đầu năm 1930
Thông tin khoa học
Bạch truật là một cây mọc lâu năm, cao tới 80cm. Rễ phát triển thành củ to và mẫm.
Lá mọc so le, dai. Lá ở phía dưới thân có cuống dài, phiến lá chia làm 3 thùy rõ rệt, cắt sâu, trông gần như lá riêng, lá ở ngọn không chia thùy, cuống ngắn, mép phiến lá có răng cưa đều và nhọn.
Cụm hoa hình đầu, lớn, tổng bao hình chuông, phiến tổng bao gồm 7 lớp trông như ngói lợp.
Tràng hoa hình ống phía dưới màu trắng, phía trên màu tím đỏ, thùy hình sợi dài, 5 nhị (trong những hoa cái ở phía ngoài của cụm hoa có nhị thoái hóa). Bầu nhụy có phủ lông trắng, ở đỉnh mang một chùm lông dài mượt (dùng để phát tán quả nhờ gió).
Công dụng và liều dùng
Đông y coi bạch truật là môt vị thuốc bổ bồi dưỡng, chủ yếu bổ tì, kiện vị, hóa thấp, chỉ tả (cầm đi ngoài), chữa sốt, an thai, bổ máu, dùng trong các trường hợp sốt, ra mồ hôi, phù thũng, viêm ruột mãn tính.
Theo tài liệu cổ bạch truật vị ngọt, đắng,tính hơi ôn, vào hai kinh tỳ và vị. có tác dụng kiện vị, hòa trung, táo thấp, hóa đờm, lợi tiểu, làm hết mồ hôi, an thai. Chữa tỳ hư trướng mãn, hung cách phiền muộn, tiết tả, thủy thũng, đàm ẩm, trị hãn (mồ hôi trộm), thai khí không yên. Phàm âm hư lại táo kết không dùng được Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
Kỹ thuật trồng
1. Chọn vùng trồng
Chọn vùng trồng Bạch truật là vùng có khí hậu mát ẩm, thời gian có sương mù kéo dài, thích hợp là vùng núi cao phía Bắc như Sapa, Bắc Hà.
Chọn đất trồng Bạch truật tốt nhất là đất thịt nhẹ, tơi xốp có tầng canh tác dày 40 – 50 cm, pH = 6 – 7, tưới tiêu thuận lợi.
2. Giống và kỹ thuật nhân giống
Giống cho sản xuất là hạt thu từ cây 2 năm tuổi, hạt chắc mẩy, tỷ lệ nẩy mầm trên 70%.
3. Thời vụ trồng
Vùng núi như Sapa, Bắc Hà có thể gieo hạt tháng 2 – 3 hàng năm.
4. Đất trồng và kỹ thuật làm đất
Đất trồng Bạch truật có tầng canh tác dày trên 30 cm. Ruộng trồng phải có điều kiện tưới tiêu thuận lợi, mùa đông có thể tưới nước khi hạn, mùa mưa phải tiêu úng.
Đất được cày sâu 30 – 35 cm, tơi xốp, sạch cỏ. Nên chọn ruộng trước đó 3 năm không trồng Bạch truật.
Lên luống cao 35 – 40 cm, mặt luống rộng 80-100cm, rãnh rộng 30cm.
5. Mật độ, khoảng cách trồng
Bạch truật được gieo theo hàng cách nhau 20 cm, khoảng cách cây trong hàng từ 10 – 20 cm. Mât độ khoảng cách như sau:
Mật độ 500.000 cây/ha với khoảng cách 20 x 10 cm
Mật độ 330.000 cây/ha với khoảng cách 20 x 15 cm
Mật độ trồng 250.000 cây/ha với khoảng cách 20 x 20 cm
6. Kỹ thuật trồng
Hạt giống được xử lý trong nước ấm 30 – 35 độ C từ 1-2 giờ trước khi gieo. Sau đó hạt được rửa sạch, tãi mỏng trên nong, nia để nơi thoáng mát cho se vỏ, trộn với đất bột khô hay cát mịn chia lượng hạt theo luống, đem gieo theo hàng rạch ngang luống đã được bón phân lót. Gieo xong lấp đất mỏng, phủ rơm rạ, tưới ẩm. Lượng hạt giống gieo 5 kg/ha.
Sau gieo hạt từ 7 đến 10 ngày hạt mọc, trong thời gian này phải giữ ẩm thường xuyên.
Khi hạt mọc đều, dỡ rơm rạ, tiếp tục giữ ẩm hàng ngày để cây mọc và sinh trưởng tốt.
7. Phân bón và kỹ thuật bón phân
7.1. Lượng phân bón:
Lượng phân bón cho 1 ha: phân chuồng hoai mục 20 tấn, lân supe 540 kg, đạm urê 400 kg, kali 270 kg, vôi bột 250 kg.
7.2. Kỹ thuật bón:
Bón lót: Dùng toàn bộ lượng vôi bột, phân chuồng, phân lân và 1/2 phân kali được trộn đều rải theo rạch.
Bón thúc:
Lần 1: bón 1/3 lượng đạm sau khi làm cỏ đợt 1.
Lần 2: Khi cây có 6 – 7 lá thật, bón 1/2 lượng đạm còn lại
Lần 3: Lúc cây giao tán, bón toàn bộ lượng phân đạm và kali còn lại.
8. Kỹ thuật chăm sóc
Tỉa giặm cây: Lần 1 khi cây có 4-5 lá thật; Lần 2 khi cây có 6 -7 lá thật; đây là lần tỉa giặm định cây cuối cùng, ổn định mật độ trồng.
Làm cỏ, xới xáo thường tiến hành với các đợt bón thúc.
Tưới nước Thường xuyên đảm bảo đủ độ ẩm cho cây, tuy nhiên, Bạch truật là cây chịu úng kém, khi có mưa phải tháo nước triệt để.
9. Phòng trừ sâu, bệnh hại
Bạch truật là một trong các cây thuốc có nhiều loại sâu bệnh phá hại.
Sâu hại: Thường gặp một số sâu xám, rệp, nhện đỏ, bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu khoang gây hại, trong đó phổ biến nhất là rệp. Đối với rệp dùng thuốc Actara, còn sâu cuốn lá dùng thuốc Tập kỳ để phòng trừ.
Bệnh hại: Thường bị một số bệnh phá hại như bệnh lở cổ rễ, thối rễ củ, đốm nâu, cháy lá, héo rũ do nấm và vi khuẩn gây nên. Trong đó, bệnh lở cổ rễ và héo rũ thường gây hại, làm giảm năng suất nghiêm trọng. Bệnh lở cổ rễ dùng các loại thuốc gốc đồng phun phòng; đối với bệnh héo rũ nên dùng Topsin M 70 WP để phòng trừ.
10. Thu hoạch, sơ chế
Cần thu hoạch đúng lúc, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng dược liệu. Khi thân cây từ màu xanh chuyển thành màu vàng nâu, lá ở phần ngọn cây trở nên cứng, dễ bẻ gãy là đúng lúc thu hoạch.
Thời vụ thu hoạch: Củ vào khoảng tháng 7 – 8 , thu hoạch xong, củ được làm sạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Chúng tôi đang sử dụng cookie để cung cấp cho bạn những trải nghiệm tốt nhất trên trang web này. Bằng cách tiếp tục truy cập, bạn đồng ý với Chính sách thu thập và sử dụng cookie của chúng tôi.