Chuẩn bị nhà xưởng, dụng cụ, hóa chất để nhân giống nấm

Thứ sáu - 17/12/2021 09:53
Bài viết giới thiệu một số nội dung cần chuẩn bị về nhà xưởng, các loại dụng cụ, hóa chất cần thiết để thực hiện việc nhân giống nấm.
Chuẩn bị nhà xưởng, dụng cụ, hóa chất để nhân giống nấm
Chuẩn bị nhà xưởng, dụng cụ, hóa chất để nhân giống nấm

1. Yêu cầu về địa điểm xây dựng nhà nhân giống nấm

Nhà nhân giống nấm đặt ở nơi:
– Cách xa các nguồn gây bệnh như: cống rãnh, bãi rác thải, chuồng trại chăn nuôi, phế thải trồng nấm…
– Cách xa các nơi có nhiều bụi bặm như nhà máy xay xát, nhà máy chế biến nông sản, nhà máy cưa xẻ gỗ.;
– Không ở những vùng đất trũng, ẩm ướt vì dễ phát sinh mầm bệnh;
– Có nguồn nước và không khí không bị ô nhiễm, có hệ thống điện ổn định.

2. Yêu cầu về kết cấu đối với nhà nhân giống nấm

2.1. Phòng pha chế môi trường

Phòng pha chế môi trường dùng để rửa, sấy các dụng cụ; xử lý, pha chế và thanh trùng môi trường để nhân giống phải bảo đảm các yêu cầu sau:
– Phải được xây kiên cố, sạch sẽ;
– Có diện tích tương đối rộng rãi, thông thoáng tiện cho việc đi lại, thao tác trong khi làm việc;
– Có hệ thống điện nước đầy đủ, an toàn; có đường thoát nước tốt.

2.2. Phòng đệm, phòng cấy giống nấm

* Phòng đệm: dùng chứa môi trường sau khi đã khử trùng, cần bảo đảm:
– Kiên cố, sạch sẽ, kín nhưng thông thoáng;
– Vô trùng;
– Càng ít cửa ra vào, cửa sổ càng tốt, đầy đủ ánh sáng.
* Phòng cấy giống nấm: dùng để nhân giống và cấy chuyền giống nấm các cấp. Phòng cấy giống thường đặt trong phòng đệm, cần bảo đảm yêu cầu:
– Có cửa lùa lệch với vị trí cửa của phòng đệm;
– Có thể lắp hệ thống kính hoặc áp gạch men xung quanh;
– Lắp đặt hệ thống quạt thông gió, máy điều hoà nhiệt độ;
– Có hệ thống đèn tử ngoại đảm bảo vô trùng cho phòng khi cần.

2.3. Phòng nuôi sợi

Phòng nuôi sợi dùng cho việc nuôi sợi giống nấm, cần bảo đảm yêu cầu:
– Được bố trí liên thông với phòng cấy giống;
– Phải kiên cố, sạch sẽ, thoáng khí, không cần ánh sáng;
– Có lắp đặt hệ thống máy điều hoà, quạt thông gió;
– Mỗi phòng dùng để nuôi một loại giống nấm riêng;
– Trong phòng có các giàn kệ để xếp giống nấm các cấp.

2.4. Khử trùng, vệ sinh nhà nhân giống nấm

2.4.1. Các loại hóa chất dùng để khử trùng

a. Formol (formalin)
– Formol là một loại hóa chất ở dạng lỏng, không màu, có mùi hắc khó chịu, bay hơi trong điều kiện thường.
– Formol rất độc, có khả năng tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh.
– Thường được sử dụng để khử trùng nhà xưởng nhân giống và nuôi trồng nấm.
b. Amoniac (NH3)
– Amoniac là loại hóa chất có mùi khai dùng để trung hoà formol sau khi sử dụng fo trùng môi trường.
– Thường sử dụng amoniac dưới dạng c đậm đặc là amôn (NH4OH).
c. Lưu huỳnh (S)
– Lưu huỳnh là một chất rắn xốp màu vàng nhạt, có mùi khó chịu (mùi trứng ung: mùi đặc trưng của H2S), khi đốt cháy tạo ra ngọn lửa màu xanh lam và tỏa ra khí dioxit lưu huỳnh (SO2), khí này rất độc.
– Vì vậy, lưu huỳnh được dùng để khử trùng môi trường nhà xưởng nhân giống nấm.

2.4.2. Tiến hành khử trùng nhà nhân giống

Bước 1. Vệ sinh nhà nhân giống
– Quét sạch bụi rác trong các phòng nhân giống;
– Lau sạch các cửa phòng cùng các thiết bị, dụng cụ có trong phòng bằng khăn ướt;
– Lau sạch bụi bẩn trên tường và nền nhà bằng nước sạch;
– Làm khô nước trong các phòng.
Bước 2. Chuẩn bị hoá chất, dụng cụ để khử trùng
– Hoá chất: formol đậm đặc, amoniac (NH3) đậm đặc, bột lưu huỳnh.
– Dụng cụ: đĩa sứ, đồng hồ, xẻng, cào sắt, dao rựa, chổi quét.
– Bảo hộ lao động: quần áo bảo hộ, khẩu trang, mặt nạ phòng độc, ủng, găng tay su…
Bước 3. Khử trùng
* Khử trùng bằng formol
– Kiểm tra và bịt kín các chỗ hở của phòng;
– Mang bảo hộ lao động đầy đủ;
– Đặt các đĩa sứ vào các vị trí khác nhau trong phòng, tuỳ diện tích phòng mà ta bố trí số lượng các đĩa nhiều hay ít;
– Tiến hành đổ formol đậm đặc vào các đĩa (tuỳ thuộc và diện tích phòng, số đĩa trong phòng) với lượng thích hợp;
– Ra khỏi phòng và đóng kín cửa phòng;
– Để formol bốc hơi tự do trong thời gian 48giờ;
– Thu gom lượng formol còn thừa trong đĩa (nếu còn);
– Tiến hành đổ dung dịch NH3 đậm đặc vào trong các đĩa cho bay hơi để trung hoà môi trường trong thời gian 24 giờ;
– Thu dọn các đĩa và đưa ra khỏi phòng.
* Khử trùng bằng bột lưu huỳnh
– Kiểm tra và bịt kín các chỗ hở của phòng;
– Mang bảo hộ lao động đầy đủ;
– Đặt các đĩa sứ vào các vị trí khác nhau trong phòng, tuỳ diện tích phòng mà ta bố trí số lượng các đĩa nhiều hay ít;
– Tiến hành đổ bột lưu huỳnh vào các đĩa (tuỳ thuộc và diện tích phòng, số đĩa trong phòng) với lượng thích hợp;
– Tiến hành đốt bột lưu huỳnh trong phòng;
– Ra khỏi phòng và đóng kín cửa phòng;
– Sau khi đốt cháy hết lưu huỳnh vào phòng thu gom các đĩa đưa ra ngoài;
– Đợi sau 24 – 48 giờ mới được vào phòng làm việc.
* Chú ý khi khử trùng bằng formol, bột lưu huỳnh: Các hoá chất dùng để khử trùng rất độc đối với cơ thể người do vậy trong quá trình thao tác cần phải:
– Mang đầy đủ bảo hộ lao động: mũ trùm đầu, khẩu trang, găng tay, quần áo khử trùng, ủng, kính mắt…
– Thao tác nhanh gọn, tránh làm vung vãi hoá chất ra ngoài;
– Các hoá chất thừa sau khi thu gom phải để vào đúng nơi quy định;
– Không được ra, vào phòng trong thời gian thực hiện khử trùng.

3. Thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để nhân giống nấm

3.1. Thiết bị, dụng cụ chuyên dùng pha chế môi trường

Nồi hấp vô trùng
Nồi hấp vô trùng

a. Nồi hấp vô trùng
– Dùng để hấp khử trùng môi trường nhân giống nấm, dụng cụ cấy và các cơ chất nuôi cấy nấm.
– Có 2 loại nồi hấp vô trùng: nồi áp suất nhỏ hoặc nồi autoclave
b. Tủ sấy dụng cụ
– Dùng để sấy khô và khử trùng các dụng cụ nuôi cấy giống nấm nhờ tác dụng sức nóng khô do máy tạo ra tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật.
– Cách vận hành tủ sấy:
Bước 1: Kiểm tra nguồn điện, bật công tắc điện vào tủ
Bước 2: xếp các dụng cụ khử trùng vào tủ sấy Bước 3: Bật công tắc để tủ hoạt động
Bước 4: Xoay các núm để điều chỉnh kim chỉ trên đồng hồ nhiệt độ và kim chỉ trên đồng hồ thời gian tới các chỉ số mong muốn.
Quá trình sấy sẽ được duy trì nhờ bộ phận điều khiển tự động và kết thúc cũng được bộ phận điều khiển tự động ngắt nguồn điện, khi nhiệt độ hạ xuống 600C mới được mở tủ lấy dụng cụ ra.
* Lưu ý khi sử dụng tủ sấy:
– Tránh mở tủ lấy dụng cụ khi nhiệt độ tủ còn đang ở mức cao sẽ làm các dụng cụ thuỷ tinh vỡ do thay đổi nhiệt độ đột ngột;
– Đặt tủ nơi cao ráo, bằng phẳng; nơi có nguồn điện có độ ổn định liên tục, không đặt tủ gần nơi có vật dễ cháy nổ như bình ga, hoá chất dễ cháy… Không dùng chất tẩy rửa mạnh để lau chùi, rút phích cắm điện ra trước khi vệ sinh tủ.
c. Bếp nấu môi trường
– Dùng để nấu môi trường nhân giống.
– Có thể dùng bếp than củi hoặc bếp ga.
– Đối với những quy mô sản xuất lớn thường trang bị hệ thống nồi luộc sử dụng hơi từ hệ thống nồi hơi
d. Nồi nấu môi trường
– Dùng để nấu môi trường, giá thể làm giống nấm.
– Nồi được làm bằng nhôm hoặc gang, inox, tuỳ thuộc vào lượng môi trường mà ta chọn nồi nấu có thể tích thích hợp.
e. Cân
– Dùng để cân hoá chất, nguyên liệu trong quá trình làm môi trường nhân giống nấm.
– Chú ý khi sử dụng cân:
+ Đặt cân lên mặt phẳng thăng bằng;
+ Vặn nút điều chỉnh để kim chỉ đúng số 0;
+ Không cân vượt quá giới hạn khối lượng cân cho phép của cân;
+ Vệ sinh cân sạch sẽ sau khi cân.
f. Một số thiết bị, dụng cụ khác
* Giấy đo pH
– Dùng để đo pH môi trường nuôi cấy và nhân giống, đo độ pH của nước.
– Là dụng cụ đo pH đơn giản nhất, dễ áp dụng và cho kết quả khá chính xác.
* Ẩm kế: dùng để đo độ ẩm môi trường nhân giống.
* Bình tam giác
– Dùng để chứa môi trường thạch nhân giống nấm thường sử dụng cho nhân giống gốc, giống cấp 1.
– Chú ý: bình tam giác được làm bằng thuỷ tinh nên rất dễ vỡ do vậy cần phải nhẹ nhàng tránh va đập.
* Ống nghiệm, giá để ống nghiệ
Ống nghiệm và giá đựng ống nghiệm
Ống nghiệm và giá đựng ống nghiệm

– Ống nghiệm: dùng để chứa môi trường thạch nhân giống và giống cấp I.
– Giá để ống nghiệm dùng để giữ các ống nghiệm, giá thường làm bằng nhôm hoặc gỗ có các khoang lỗ vừa với ống nghiệm.
* Ống đong: dùng để đong môi trường với thể tích chính xác.
* Phễu đong: dùng để phân phối môi trường thạch vào ống nghiệm, bình tam giác, chai thuỷ tinh dễ dàng hơn, thường làm bằng thuỷ tinh hoặc nhôm.
* Các dụng cụ khác: Rổ nhựa, lưới lọc, thau nhựa, đũa khấy… để phục vụ cho việc pha chế môi trường nhân giống.

3.2. Thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để cấy giống nấm

a. Tủ cấy giống

Tủ cấy giống
Tủ cấy giống

– Dùng để thực hiện nhân giống và giúp cho việc cấy chuyền ít nhiễm tạp hơn.
– Tủ có dạng hộp, bao quanh là kính trong hoặc inox, có một cửa kính trong để tiện trong việc thao tác cấy chuyền và khử trùng kính.

b. Bộ dụng cụ cấy giống: bao gồm

– Khay, đĩa, dao mổ;
– Que cấy đầu nhọn hoặc đầu bẹp: được làm bằng inox;
– Kéo, kẹp, đèn cồn.

c. Máy điều hoà nhiệt độ

Dùng để điều hoà nhiệt độ trong phòng cấy và duy trì phòng cấy luôn khô thoáng và thỏa mái khi tiến hành thao tác cấy giống.

d. Quạt thông gió

Làm cho không khí trong phòng khô, thoáng, mát. 

3.3. Thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để nuôi sợi và bảo quản giống nấm

a. Máy điều hoà nhiệt độ:

Dùng để duy trì nhiệt độ cần thiết cho việc nuôi sợi giống nấm.

b. Tủ lạnh hoặc tủ mát:

Dùng để bảo quản giống gốc hoặc giống cấp I, II và bảo quản các loại hoá chất dùng cho pha chế môi trường.

c. Tủ ấm:

Dùng để nuôi sợi giống và kiểm tra độ vô trùng của môi trường trước khi sử dụng để nhân giống.

d. Giàn giá nhiều tầng

– Dùng để xếp các chai hoặc túi giống trong thời gian nuôi sợi nhằm tiết kiệm diện tích.
– Giàn giá được làm bằng nhôm hoặc sắt. Chiều rộng 0,5m, chiều dài 2m, chiều cao 2,2 – 2,5m, thiết kế thành nhiều tầng mỗi tầng cách nhau 30 – 40cm.

e. Xe đẩy:

Dùng để chuyển môi trường đến phòng cấy và chuyển các túi giống nấm vào phòng nuôi sợi

3.4. Vệ sinh các thiết bị, dụng cụ dùng trong nhân giống nấm

– Bộ dụng cụ cấy giống, các thiết bị thủy tinh (ống nghiệm, bình tam giác) cần phải được vô trùng (sấy trong tủ sấy ở nhiệt độ 160 – 1700C trong 2 giờ).
– Các phòng cấy giống, nuôi sợi phải dùng các chất tẩy rửa như xà phòng, nước rửa chén, cồn… để vệ sinh và dùng nước sạch để lau sạch.
– Đối với các thiết bị không thể dùng nước để vệ sinh: máy đo pH, ẩm kế, tủ cấy, tủ lạnh, cân. cần phải dùng khăn khô (có thấm cồn nếu cần) để lau sạch.

4. Vật tư, nguyên liệu, hóa chất chuyên dùng để nhân giống nấm

4.1. Vật tư

– Chai thủy tinh (chai nước biển) hoặc chai nhựa: dùng để chứa môi trường nhân giống nấm cấp II.
– Túi nilon loại chịu nhiệt có kích thước 16 x 28cm, đã được gấp đáy vuông.
– Dây cao su.
– Bông không thấm nước: để làm nút bông cho chai hoặc túi môi trường giống nấm các cấp.
– Cổ nhựa: để tạo cổ cho các túi môi trường giống cấp III, cổ nhựa có đường kính 3cm, chiều cao: 4cm, ngoài ra có thể làm bằng giấy carton
– Nắp nhựa: có đường kính 5cm, chiều cao 5cm, nếu không có nắp nhựa có thể dùng nilon thay thế khi đậy túi giá thể

4.2. Nguyên liệu

– Khoai tây, giá đậu xanh, bột ngô, cám gạo
– Thóc, que sắn;
– Mùn cưa, rơm rạ;

4.3. Hóa chất

– Agar (bột nấu đông sương): để tạo môi trường thạch nhân giống nấm cấp I, cần chú ý chọn loại có chất lượng còn tốt, còn hạn sử dụng.
– Đường glucô hoặc đường cát trắng: bổ sung môi trường nhân giống nấm cấp I.
– Bột nhẹ (CaCO3), thạch cao (CaSO4): điều chỉnh pH, tăng độ xốp cho môi trường nhân giống nấm cấp II, cấp III.
– Cồn 900: để khử trùng tay và dụng cụ cấy, cho vào đèn cồn để đốt cháy tạo nhiệt khử trùng que cấy và môi trường không khí trong khi cấy giống nấm.

Các bạn có thể tham khảo thêm ở video sau:

Chúc các bạn nhân giống nấm thành công! Nếu có thắc mắc, các bạn có thể để lại bình luận bên dưới, mình sẽ cố gắng phản hồi sớm nhất có thể!

Tác giả: Phạm Ngọc Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi